Với mong muốn giới thiệu nghề truyền thống của vùng đất hơn 325 năm đến học sinh, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức những buổi trưng bày sản phẩm gốm, trải nghiệm xoay gốm Biên Hòa.
Các em học sinh Trường tiểu học An Hảo (thành phố Biên Hòa) xem nghệ nhân thực hiện chấm men cho sản phẩm gốm tại trường. Ảnh: L.Na |
Những hoạt động ý nghĩa này không chỉ mang đến nhiều bài học mới mẻ, bổ ích cho học sinh, mà qua đó giúp các em nâng cao hiểu biết, ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
* Trải nghiệm xoay gốm trong trường học
Giờ chào cờ đầu tuần của học sinh Trường tiểu học An Hảo (thành phố Biên Hòa) những ngày cuối tháng 3 trở nên sôi động và hấp dẫn. Học sinh được tham gia chuyên đề trải nghiệm hướng nghiệp gốm Biên Hòa, tìm hiểu về nghề gốm truyền thống, các công đoạn, quy trình, dụng cụ làm gốm, kỹ năng xoay gốm cũng như giao lưu với nghệ nhân gốm nổi tiếng của Biên Hòa tại trường học.
Em Phạm Bảo Quyên, học lớp 5/1 Trường tiểu học An Hảo, cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia trải nghiệm làm gốm tại sân trường, được xem các cô, chú nghệ nhân xoay gốm, chấm men gốm, em rất thích. Không chỉ được nhìn, em còn được tận tay chạm vào những khối đất sét đang tạo hình. Học làm gốm giúp em hiểu thêm về nghề truyền thống của Biên Hòa, về nhà em sẽ kể những câu chuyện về nghề gốm đã nghe, đã xem để nhiều người biết đến”.
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa NGUYỄN XUÂN THANH, tại không gian công viên Biên Hùng, hiện thành phố cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm gốm cho người dân đến vui chơi, giải trí. Từ nay đến cuối năm, thành phố xin ý kiến Thành ủy Biên Hòa để tổ chức con đường gốm ven sông dọc phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, tạo thành điểm nhấn hấp dẫn người dân trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, giải trí, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. |
Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hảo Phạm Thị Nguyệt cho hay, nghề làm gốm Biên Hòa vốn tồn tại khá lâu. Thế nhưng, trước thực trạng nghề gốm có phần mai một như hiện nay, việc gìn giữ, phát huy nghề gốm, cũng như định hướng thay đổi nhận thức là rất quan trọng. Nhà trường bắt đầu từ chính những hoạt động làm gốm giới thiệu trực tiếp đến học sinh với mong muốn giúp các em được tìm hiểu về gốm; phát huy các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trong trường học. Qua đó, các em hiểu hơn về lịch sử, truyền thống vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Không chỉ tại Trường tiểu học An Hảo, thời gian gần đây, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều buổi hướng nghiệp, học xoay gốm nhằm mang đến cho học sinh góc nhìn mới, cơ hội trải nghiệm, làm quen với gốm Biên Hòa.
* Cần khuyến khích và nhân rộng
Có dịp cùng con tham gia trải nghiệm làm gốm tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, bà Lê Thị Nhàn (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) bày tỏ: “Không ít học sinh còn chưa biết rõ, chưa một lần trực tiếp nhìn thấy các công đoạn tạo ra sản phẩm gốm. Do vậy, tôi rất ủng hộ việc xây dựng chương trình trải nghiệm gốm ngay tại trường học, nhân rộng mô hình để các em được tham quan, tìm hiểu, học tập. Cách thức này tăng hiệu quả giáo dục để học sinh thêm yêu người, yêu nghề, có trách nhiệm hơn với việc bảo tồn, phát huy giá trị của gốm”.
Giám đốc Công ty TNHH Gốm Biên Hòa MAI THANH XIN cho biết: “Ngoài đưa gốm đến Trường tiểu học An Hảo, năm 2024, chúng tôi có kế hoạch phối hợp với các trường học trên địa bàn đưa gốm đến với học sinh. Việc đưa gốm đến sân trường không chỉ giúp tiết kiệm thời gian đưa đón học sinh từ trường đến xưởng gốm, mà tại sân trường với không gian rộng rãi, tất cả học sinh đều có thể tham gia”. |
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho sự phát triển toàn diện và bền vững, thành phố đã có kế hoạch phát triển các làng nghề gốm. Thực hiện được điều này, thành phố chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng biết đến gốm truyền thống; tổ chức các sự kiện giới thiệu gốm Biên Hòa…
“Nhằm đưa gốm đến gần với đối tượng học sinh, thành phố Biên Hòa giao cho Phòng Giáo dục và đào tạo triển khai trong các trường học. Ngoài các giờ lên lớp, các em sẽ được trải nghiệm tự nặn gốm, học xoay gốm để thỏa sức sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê, có định hướng với nghề truyền thống” - ông Thanh nói.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin