Báo Đồng Nai điện tử
En

Xóa rào cản tâm lý cho học sinh, sinh viên hệ 9+

Hải Yến
08:35, 26/03/2024

Mang mặc cảm “không đậu trung học phổ thông công lập nên mới đi học nghề” là điều dễ dàng bắt gặp ở những học sinh, sinh viên hệ 9+. Đây cũng là rào cản tâm lý khiến học sinh e ngại khi lựa chọn hướng đi tiếp theo sau bậc trung học cơ sở (THCS).

Học sinh một trường trung học cơ sở tham quan, tìm hiểu nghề nghiệp tại Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (thành phố Biên Hòa). Ảnh: CTV

Do vậy, thay đổi nhận thức của xã hội về phân luồng sau THCS là việc làm rất cần thiết. Ở góc độ trường nghề, giáo viên cần đa dạng hình thức dạy học, tạo nhiều hoạt động để người học hệ 9+ có thể nhìn nhận và phát huy năng lực cá nhân, tự khẳng định mình…

* Giúp người học nhận ra giá trị bản thân

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, cố vấn tâm lý giáo dục Tập đoàn Giáo dục IGC, cho biết rất nhiều học sinh, sinh viên hệ 9+ bước vào  giai đoạn đào tạo mới với mặc cảm rằng mình không phải là người được chọn vào bậc trung học phổ thông nên mới đi học nghề. Điều này khiến cho các em có phần không hài lòng về chính mình, thậm chí mặc cảm về sự yếu kém của bản thân.

Tiến sĩ NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG cho rằng, phụ huynh vẫn còn e dè khi cho con tham gia học nghề sau THCS một phần là do thiếu thông tin về thị trường lao động. Do vậy, cần cung cấp cho phụ huynh những thông tin như: tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên đại học; nhu cầu của thị trường lao động, vị trí việc làm của người học trung cấp, cao đẳng nghề; cách thức đào tạo ở trường nghề…

Theo bà Hồng, mặc dù sự mặc cảm này không hoàn toàn chính đáng nhưng trong quá trình làm công tác giáo dục hệ 9+, giáo viên cần chú ý vấn đề tâm lý này để có ứng xử phù hợp nhằm hỗ trợ cho người học, giúp các em thay đổi nhận thức về bản thân mình.

Do đó, khi trao đổi với học sinh, sinh viên hệ 9+ về giá trị nghề nghiệp trong xã hội, giáo viên phải giúp cho học trò hiểu được thực tế là không phải ai tốt nghiệp đại học cũng có cơ hội việc làm tốt, nhiều người thậm chí không tìm được việc làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, tâm lý chung của xã hội hiện nay vẫn còn trọng “thầy” hơn “thợ”. Điều này khiến cho những người học hệ 9+ cảm thấy không được đánh giá cao chứ không phải xã hội không cần lao động trình độ trung cấp, cao đẳng nghề.

“Giáo viên đứng lớp cần hỗ trợ để người học hệ 9+ nhận ra được năng lực, ưu điểm cá nhân bằng cách tổ chức các hoạt động dạy học đa dạng. Điều này giúp các em thay đổi việc tự đánh giá bản thân. Các em sẽ không bị gò bó trong một cách đánh giá duy nhất (năng lực học tập), mà có thể được thừa nhận ở các góc độ đóng góp khác nhau. Chẳng hạn, học sinh làm tốt công tác Đoàn, có thể biểu diễn văn nghệ, có thể dàn xếp được những rắc rối trong mối quan hệ bạn bè… đều là biểu hiện năng lực cá nhân” - tiến sĩ Bích Hồng cho hay.

Cũng theo tiến sĩ Bích Hồng, để làm được điều này, giáo viên cần giao cho học trò những công việc, nhiệm vụ phù hợp kèm theo những lời đánh giá mang tính khích lệ, động viên. Đây là cách tác động về mặt tâm lý hữu hiệu đối với cá nhân người học.

* Tuyên truyền, thay đổi nhận thức xã hội

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác phân luồng sau THCS tại Đồng Nai chỉ đạt chưa đến 30%, trong khi chỉ tiêu Bộ Giáo dục và đào tạo, Chính phủ đưa ra là 40% (đến năm 2025). Do vậy, Đồng Nai cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Muốn làm tốt công tác phân luồng học sinh sau THCS, điều quan trọng nhất là phải làm chuyển biến về mặt nhận thức. Theo đó, mỗi học sinh, phụ huynh học sinh cần hiểu về “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS phân luồng sang học nghề có thể lựa chọn hệ 9+ trung cấp hoặc 9+ cao đẳng. Đối với hệ trung cấp, học sinh vừa học văn hóa, vừa học nghề trong thời gian 3 năm. Đối với hệ cao đẳng, sinh viên vừa học văn hóa, vừa học nghề trong thời gian 3,5-4 năm.

“Công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức cần làm liên tục, kiên trì, bởi trong “một sớm một chiều” thì khó có thể xóa được tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng, khó có thể tìm giải pháp tức thời để thay đổi định kiến của xã hội về “thầy” và “thợ” mà vẫn cần giải pháp lâu dài. Điều này đòi hỏi các trường nghề phải chứng minh bằng hiệu quả công tác đào tạo, bằng thực tế về những học sinh, sinh viên trường nghề với tương lai ổn định.

Còn theo Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Tiến Mạnh, để thu hút người học, các trường nghề cần có sự thay đổi phù hợp trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tượng đào tạo.

“Người học hệ 9+ trong độ tuổi từ 16-18, là độ tuổi tương ứng với học sinh trung học phổ thông nhưng các em lại phải đảm đương 2 chương trình học cùng lúc (vừa học nghề, vừa học các môn văn hóa). Điều này chắc chắn không tránh khỏi áp lực. Do đó, nhà trường đã thay đổi nội dung chương trình, tài nguyên giảng dạy, môi trường học tập, cách quản lý… phù hợp với đối tượng người học. Chúng tôi quan tâm chăm chút cho đối tượng học sinh, sinh viên này nhiều hơn. Song song đó, chúng tôi cũng kết nối chặt chẽ với phụ huynh để cùng quản lý, giáo dục các em” - ông Mạnh chia sẻ.

Hải Yến

Tin xem nhiều