Sau 49 năm thống nhất đất nước, ngành y tế Đồng Nai đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, mạng lưới, đội ngũ nguồn nhân lực, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB).
Một ca phẫu thuật được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh thực hiện thuần thục. Ảnh: H.Dung |
Thay vì phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, để KCB, hiện người dân trong tỉnh được thụ hưởng nhiều dịch vụ y tế, kỹ thuật cao ngay tại các bệnh viện của địa phương.
Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, toàn tỉnh hiện có 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 3 bệnh viện đa khoa khu vực, Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai, 11 trung tâm y tế, 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, Trung tâm Kiểm nghiệm Đồng Nai, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Nai, Trung tâm Giám định y khoa Đồng Nai, Trung tâm Pháp y Đồng Nai và Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Đồng Nai. Đặc biệt, hệ thống y tế tư nhân phát triển rất nhanh và mạnh với 7 bệnh viện, 88 phòng khám đa khoa tư nhân.
Nhân lực y tế toàn tỉnh hiện có hơn 11,9 ngàn người, bao gồm cả y tế công lập và ngoài công lập. Trong số đó, có gần 3,1 ngàn bác sĩ, đạt tỷ lệ 9,4 bác sĩ/vạn dân. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt tỷ lệ 10 bác sĩ/vạn dân.
Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế. Riêng năm 2023, toàn tỉnh có hơn 7,4 triệu lượt người được KCB bảo hiểm y tế. Đến nay, ngành y tế Đồng Nai đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng như: số bác sĩ, số dược sĩ, số giường bệnh/vạn dân; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi; tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm…
Nhiều công trình, dự án của ngành y tế được đầu tư và đưa vào sử dụng với đầy đủ hạ tầng, thiết bị hiện đại. Đội ngũ nguồn nhân lực, nhất là ở tuyến cơ sở, đang tiếp tục được quan tâm.
Về chất lượng KCB, theo lãnh đạo Sở Y tế, số lượng bệnh nhân phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ngày càng giảm vì các bệnh viện trong tỉnh đã triển khai thuần thục nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như: mổ tim hở, mổ tim nội soi, đặt máy tạo nhịp tim, nội soi chỉnh hình, nội soi chấn thương, thay khớp, lấy sỏi qua da…
“Sắp tới, ngoài củng cố những kỹ thuật cao, chúng tôi sẽ tiến tới ghép tạng, điều trị miễn dịch để phục vụ người bệnh được tốt hơn” - Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung chia sẻ.
Ứng dụng AI, đẩy mạnh chuyển đổi số y tế
Nhằm rút ngắn khoảng cách chất lượng KCB giữa các tuyến y tế trong tỉnh và với các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đang đẩy mạnh liên kết theo các hình thức: hội chẩn từ xa, KCB từ xa, sắp tới sẽ ứng dụng AI trong khám và chẩn đoán điều trị.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, bác sĩ chuyên khoa II Lưu Văn Tường cho hay, hàng tuần, các bác sĩ của trung tâm đều hội chẩn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đại học Y Hà Nội. Các khoa đã thành thạo quy trình KCB khép kín trên mạng LAN, thực hiện KCB bằng căn cước công dân và ứng dụng VNeID, kết hợp phát số thứ tự tự động, bảng điện tử, sử dụng mã vạch, kê toa thuốc trên máy tính, gửi dữ liệu lên Cổng thông tin bảo hiểm y tế hàng ngày theo đúng quy định. Không những thế, bác sĩ còn kê đơn thuốc chính xác nhờ tính năng đơn thuốc điện tử, hạn chế nhầm lẫn, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh.
Xác định chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc, đến nay ngành y tế đã xây dựng thành công bệnh án điện tử tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Sắp tới sẽ triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Bác sĩ chuyên khoa KII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bộc bạch mô hình bệnh viện không giấy tờ đang được triển khai khá suôn sẻ. Từ khi triển khai bệnh án điện tử, các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện tiết kiệm được nhiều thời gian ghi chép sổ sách, hạn chế sai sót do chữ viết không rõ ràng trong bệnh án giấy, có nhiều thời gian để chăm sóc, chia sẻ với bệnh nhân hơn. Qua đó, vừa nâng cao chất lượng KCB tại bệnh viện, vừa nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân đối với nhân viên y tế.
Liên quan đến việc ứng dụng AI trong KCB, theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, đây là xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng KCB tại các tuyến, nhất là tuyến cơ sở.
Ví dụ, một trung tâm y tế huyện được trang bị máy X-quang và máy CT nhưng không có đủ bác sĩ để ngày nào cũng ngồi trực, đọc kết quả chiếu chụp. Thay vào đó, những hình ảnh sau khi chụp ở trung tâm y tế sẽ được chuyển về trung tâm ứng dụng công nghệ AI để chẩn đoán và đưa ra kết quả gợi ý. Kết quả này sẽ được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh xác nhận, rồi chuyển về cho trung tâm y tế để bác sĩ ở trung tâm đọc kết quả, chỉ định điều trị cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được xác định bệnh nặng thì chuyển lên tuyến trên để điều trị.
Như vậy, thay vì phải đầu tư hệ thống chẩn đoán hình ảnh cho từng đơn vị thì nay chỉ cần trang bị máy chụp phim, đường truyền có kết nối với phần mềm ứng dụng AI để liên kết, có lợi cho cả bác sĩ tuyến dưới và người dân địa phương. Dự kiến, Sở Y tế sẽ phân vùng, đầu tư nâng cấp các bệnh viện đa khoa khu vực để hỗ trợ các trung tâm y tế tuyến huyện theo hình bậc thang để hỗ trợ chuyên môn lẫn nhau.
Hạnh Dung
Tiến sĩ TRẦN MINH HÒA, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai:
Kiểm soát tốt các loại dịch bệnh
Những năm gần đây, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi cũng được kiểm soát. Năm 2023, nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị đứt quãng đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của trẻ. Tuy nhiên, năm 2024, sau khi được Bộ Y tế cung ứng đủ vaccine, ngành y tế đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vét, tiêm bù cho trẻ. Qua đó, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân trong tỉnh, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai NGUYỄN TRỌNG NGHĨA:
Đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế
Với phương châm “xem bệnh nhân như người thân”, lãnh đạo bệnh viện luôn quán triệt đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đón tiếp bệnh nhân niềm nở, điều trị tận tình, chăm sóc tận tình. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ y, bác sĩ; xây dựng môi trường làm việc tốt; triển khai các giải pháp hỗ trợ nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế.
Bà NGUYỄN THỊ VÓC, 61 tuổi, ngụ xã Phú Trung, huyện Tân Phú:
Tiếp cận các dịch vụ y tế dễ dàng hơn
Trước đây, người dân ở vùng xa như chúng tôi tiếp cận các dịch vụ y tế khá khó khăn, mỗi lần muốn đi khám bệnh không phải dễ. Tuy nhiên, việc KCB hiện nay đã dễ dàng hơn, ngoài trạm y tế còn có trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện đa khoa tỉnh. Do tham gia bảo hiểm y tế nên mỗi lần nhập viện cấp cứu, điều trị bệnh suy tim, chồng tôi được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán khá nhiều tiền. Tôi đã từng đưa chồng đi điều trị ở nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến khi về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thì thấy điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị ở đây không thua kém gì. Các bác sĩ, điều dưỡng cũng rất tận tình, chu đáo, trả lời bệnh nhân nhẹ nhàng, giúp chúng tôi an tâm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin