Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Phương Liễu
08:25, 06/04/2024

Từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến nhu cầu sử dụng điện của nhiều gia đình tăng cao. Để giảm tiền điện, nhiều gia đình đã “sáng tạo” một số cách để giảm tiêu thụ điện.

Mùa nắng nóng, nhiều người dân ở thành phố Biên Hòa chọn mua các thiết bị làm mát tiết kiệm điện để giảm chi phí tiền điện. Ảnh: P.Liễu
Mùa nắng nóng, nhiều người dân ở thành phố Biên Hòa chọn mua các thiết bị làm mát tiết kiệm điện để giảm chi phí tiền điện. Ảnh: P.Liễu

* Nhiều cách làm hay

Gia đình bà Trần Thị Đức (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) có tới 11 người cùng sinh sống trong một nhà. Trời quá nắng nóng nên máy lạnh ở phòng khách và 4 phòng ngủ gần như mở cả ngày. Thế nên, tiền điện tháng 1 và tháng 2-2024 của nhà bà tăng gấp đôi so với những tháng cuối năm 2023 (từ khoảng 1,5 triệu đồng lên đến gần 3 triệu đồng/tháng).

Để tiết kiệm điện, gia đình bà đã phải “gom” người lại ở 2 phòng bật điều hòa và giảm bớt việc bật điều hòa ở 2 phòng còn lại; đồng thời, tăng cường cho mỗi phòng một quạt hơi nước để tăng độ mát mà không cần để nhiệt độ máy lạnh quá thấp.

Ngoài ra, gia đình bà cũng tắt máy điều hòa ở phòng khách và đặt thêm vài cây xanh vào nhà cho cảm giác đỡ nóng bức. Nhờ vậy, tiền điện tháng 3-2024 giảm xuống được gần 500 ngàn đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Phương Quỳnh (ngụ phường Tân Mai, thành phố Biên Hòa) phải hạn chế bật máy điều hòa để tiết kiệm tiền điện. Thay vì bật máy điều hòa, gia đình chị dùng quạt hơi nước (loại quạt hộp có ngăn chứa nước), khi trời quá nắng nóng thì cho đá lạnh vào ngăn đựng nước để quạt tỏa ra hơi lạnh, cái nóng nhờ vậy giảm đi đáng kể. Ngoài ra, nhà chị luôn có 2 bộ rèm cửa, một bộ rèm mỏng màu sáng dùng vào mùa bình thường, còn bộ rèm dày, màu tối thì chị dùng vào mùa nắng nóng để hạn chế nắng chiếu vào nhà.

Lý giải về việc mùa nắng sẽ dùng bộ rèm cửa dày và tối màu, chị cho biết có lần xem trên mạng cách để giảm bức xạ nhiệt vào phòng mùa nắng, dùng rèm dày và tối màu sẽ giúp tiết kiệm được 7% chi phí hóa đơn tiền điện.

“Từ lúc chuyển sang dùng quạt nước và đá, thay rèm cửa, tiền điện gia đình tôi có tăng cũng không đáng kể; đồng thời, vẫn thấy thoải mái khi hạn chế mở máy điều hòa” - chị Quỳnh chia sẻ.

Còn hộ ông Đặng Thế Hòa (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) lại ưu tiên lựa chọn giải pháp thay thế các thiết bị điện bằng loạt tiết kiệm và siêu tiết kiệm điện như bóng đèn led. Các thiết bị điện khác như: tủ lạnh, nồi cơm điện, máy điều hòa, máy quạt, lò vi sóng…, ông đều dùng loại tiết kiệm điện. Nhờ đó, tiền điện mỗi tháng cũng chỉ bằng 60% so với trước khi chuyển sang dùng thiết bị siêu tiết kiệm điện.

* Khuyến cáo tiết kiệm điện

Mùa nắng nóng, tiêu thụ điện tăng dẫn đến mức chi trả tiền điện tăng, thậm chí không ít hộ gia đình phải chi trả hóa đơn tiền điện tăng cao do sử dụng điện vượt quá định mức ban đầu, rơi vào các khung giá cao điểm… Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều gia đình sẽ phải cắt giảm bớt một khoản chi tiêu nào đó để chi trả thêm cho tiền điện.

 

Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, có nhiều giải pháp tiết kiệm điện nhưng vẫn giữ được hiệu suất sử dụng. Một trong những giải pháp căn cơ nhất, đó là thay các thiết bị điện cũ trong nhà bằng thiết bị của dòng tiết kiệm điện, chẳng hạn như đèn led; tủ lạnh, máy lạnh, nồi cơm điện dòng inverter từ 4-5 sao; công tắc, ổ cắm thông minh tự ngắt điện khi thiết bị không hoạt động hoặc đèn cảm ứng, tự bật - tắt khi có người đến và đi. Ngoài ra, cần thường xuyên làm sạch các thiết bị điện như: máy lạnh, máy quạt, bóng điện; không kê tủ lạnh sát tường, hạn chế mở tủ lạnh nhiều lần để giữ độ lạnh ổn định.

Thiết lập thói quen tiết kiệm điện theo nguyên tắc “vào bật, ra tắt”, rút các thiết bị khỏi ổ điện khi không dùng; không để nhiệt độ máy điều hòa quá thấp (cứ giảm 10C sẽ tốn thêm 2-3% điện năng). Do đó, nên để nhiệt độ máy lạnh ở mức từ 25-270C đối với ban ngày và 280C vào ban đêm. Nếu có thể, tắt máy điều hòa vào ban đêm và mở cửa đón khí trời hoặc đặt thời gian tắt máy điều hòa từ nửa đêm về sáng, vì lúc này nhiệt độ ngoài trời đã xuống thấp.

Ngoài ra, có thể tăng cường cây xanh trong nhà, trong sân, không gian xanh này sẽ làm dịu đi tác động của ánh nắng gay gắt chiếu vào nhà.

Đặc biệt, tránh sử dụng nhiều thiết bị điện cùng lúc trong khung giờ cao điểm (từ 9h30, 11h30, 17h và 20h). Bởi vào những khung giờ này, sử dụng nhiều thiết bị sẽ khiến điện chập chờn, càng tốn nhiều năng lượng hơn.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều