Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữa lòng thành phố có quán cơm 2 ngàn đồng

Bích Nhàn
21:18, 27/04/2024

Mỗi ngày, quán cơm Như Ý (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cung cấp khoảng 400 suất ăn. Trong đó, quán dành 200 suất ăn bán cho người nghèo với giá 2 ngàn đồng/suất.

Một người đàn ông bỏ 2 ngàn đồng vào thùng để mua cơm tại quán cơm Như Ý. Ảnh: Bích Nhàn
Một người đàn ông bỏ 2 ngàn đồng vào thùng để mua cơm tại quán cơm Như Ý. Ảnh: Bích Nhàn

Hơn 1 năm nay, quán hoạt động liên tục từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần và bán mang về.

Những người sống nhờ… cơm từ thiện!

Nhiều tháng nay, cứ đến gần trưa, ông Nguyễn Văn Hai, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa lại đạp xe đi mua cơm.

Khác với nhiều người, ông chỉ mất 2 ngàn đồng cho mỗi bữa cơm. Hôm nay, phần cơm của ông có cá chiên, rau bắp cải xào và 1 bịch canh rau. “Giá rẻ nhưng cơm khá ngon và an toàn! Tôi ăn ở đây là chủ yếu, 5 ngày/tuần và chưa khi nào gặp vấn đề gì cả” – ông Hai cho hay.

Gần 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Bộ, ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa vẫn đang ở cùng con gái và 5 đứa cháu trong ngôi nhà tạm bợ lợp bằng tôn. Con gái  của bà làm công nhân, còn bà đi lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, nhất là 5 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn.

“Cứ 2-3h sáng, tôi bắt đầu rời khỏi nhà lượm ve chai vì ban ngày nắng nóng quá. Dù vậy, tiền kiếm ra vẫn rất ít ỏi. Hơn nữa, tôi đã lớn tuổi nên lâu lâu phải vào bệnh viện chữa bệnh” – bà Bộ chia sẻ.

Hơn 1 năm nay, khoảng 10 giờ mỗi ngày, bà Bộ chờ sẵn ở quán cơm Như Ý – bán cơm với giá 2 ngàn đồng/suất (nằm trên đường vào ga Biên Hòa) . Tính cả bà và 5 đứa cháu là cần phải mua 6 hộp cơm. Bà mua theo phiếu mà quán phát, nhưng muốn mua đủ số cơm trên thì có những ngày bà Bộ phải chờ đến trưa để được phát miễn phí.

Bà Bộ tâm sự: “Từ ngày có quán cơm, tôi đỡ lo lắng phần tiền đi chợ mỗi ngày. Các cháu được ăn no với số tiền ít ỏi”.

Quán cơm Như Ý là nơi quen thuộc của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Bích Nhàn
Quán cơm Như Ý là nơi quen thuộc của nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Bích Nhàn

Người lao động nghèo, người bán hàng rong, người khuyết tật hay người lớn tuổi... là những khách hàng thân thuộc của quán cơm.

“Sống nhờ cơm từ thiện là chủ yếu! Với những người nghèo khổ như tôi, quán cơm Như Ý là số 1” – bà Nguyễn Thị Lan, ở trọ phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa tâm sự.

Bà Lan gần 70 tuổi, bán vé số và sống cùng mẹ già hơn 90 tuổi. Tuổi cao, sức yếu nên thu nhập từ công việc này không nhiều. Do vậy, bà gần như là khách “ruột” của quán cơm này vì ngày nào bà cũng mua 2 phần, một phần cho mẹ và một phần cho bản thân.

“Việc mình làm chưa có gì lớn lao”

Với 2 ngàn đồng, bất cứ bà nội trợ nào cũng không thể nấu ra được một bữa ăn trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay. Trong khi đó, cũng số tiền này, những người nghèo sẽ mua được 1 hộp cơm có 3 món gồm: 1 món mặn, 1 món xào và canh. Thực đơn sẽ thay đổi mỗi ngày.

“Có khi chúng tôi mua theo phiếu nhưng nhiều khi được phát miễn phí. Quan trọng hơn là, dù quán “cho là chính” nhưng thái độ của những người ở quán cơm Như Ý từ quản lý đến người phát cơm ở đây rất lịch sự, chúng tôi thấy mình được tôn trọng nên rất biết ơn” – bà Hoàng Thị Mai, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa bày tỏ.

Chị Oanh đưa cơm cho người dân đến mua tại quán. Ảnh: Bích Nhàn
Chị Oanh đưa cơm cho người dân đến mua tại quán. Ảnh: Bích Nhàn

Chị Huỳnh Hoàng Oanh, ngụ khu phố 1, phường An Bình, thành phố Biên Hòa, là 1 trong 2 “chủ xị” của quán cơm 2 ngàn đồng này. Trong đó, người bạn của chị Oanh bỏ vốn đầu tư lẫn mua nguyên liệu nấu ăn hàng ngày. Còn chị Oanh là người chịu trách nhiệm quản lý, vận hành quán ăn.

Mỗi ngày quán cung cấp 400 suất ăn. Trong đó, 200 suất là phát miễn phí cho bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. 200 suất còn lại bán cho những người có hoàn cảnh khó khăn, lao động nghèo sinh sống tại thành phố Biên Hòa.

“Dù quán ăn nấu để phát miễn phí hoặc bán với giá chỉ 2 ngàn đồng nhưng chúng tôi vẫn làm đầy đủ quy trình và giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài đầu tư ban đầu về hệ thống bếp, tủ nấu cơm công nghiệp, quán thuê 3 người đứng nấu với mức lương 6-7 triệu đồng/người/tháng” – chị Oanh chia sẻ.

Theo chị Oanh, nếu tính chi phí từ nguyên liệu: gạo, cá, thịt… và công nấu thì bình quân mỗi suất ăn rơi vào từ 10 ngàn - 15 ngàn đồng/suất ăn. Quán ưu tiên những người già cả hay bị bệnh sẽ được nhận cơm sớm, không phải xếp hàng khi đến lấy. Khi có phiếu, mỗi người lấy cơm rồi bỏ tiền vào thùng để ở trước quán. Số tiền này sẽ phụ quán duy trì quán cơm này.

Phiếu mua cơm tại quán cơm Như Ý với giá 2 ngàn đồng/suất. Ảnh: Bích Nhàn
Phiếu mua cơm tại quán cơm Như Ý với giá 2 ngàn đồng/suất. Ảnh: Bích Nhàn

Chia sẻ về động lực thực hiện quán ăn ấm áp tình người này, chị Oanh cười nói: “Tôi cũng không biết động lực từ đâu nhưng thấy mọi người đến quán ngày càng đông hơn, vui vẻ nhận cơm làm tôi thấy việc làm của mình có ý nghĩa hơn. Mặc dù, mở quán cơm khá vất vả nhưng tôi luôn cảm thấy vui và yêu thích việc mình đang làm”.

Chủ quán cơm Như Ý cho hay, quán cơm sẽ tiếp tục mở lâu dài để phục vụ và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn… “Việc làm của mình vẫn còn nhỏ bé, chưa có gì lớn lao cả” – chị Oanh nói.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều