Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ các địa phương phát triển khoa học và công nghệ

Hạnh Dung
08:47, 10/04/2024

Sở Khoa học và công nghệ (KH-CN) cùng các trường đại học trong và ngoài tỉnh đang tiếp tục làm việc với các địa phương nhằm đánh giá hoạt động KH-CN thời gian qua và triển khai các hoạt động trong thời gian tới.

Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đoàn Tấn Đạt phát biểu tại buổi làm việc với huyện Trảng Bom. Ảnh: H.Dung
Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đoàn Tấn Đạt phát biểu tại buổi làm việc với huyện Trảng Bom. Ảnh: H.Dung

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, thông qua các buổi làm việc, Sở KH-CN sẽ trực tiếp hỗ trợ hoặc kết nối với các viện, trường, đơn vị phù hợp để hỗ trợ các địa phương giải quyết những vướng mắc đang đặt ra.

* Tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng cho biết, trong năm 2023, huyện đã đăng ký hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm hồ tiêu Lâm San theo hình thức nhiệm vụ
KH-CN cấp tỉnh. Hồ tiêu Lâm San là sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) do Tổ hợp tác Tiêu sạch Lâm San làm chủ thể, được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Huyện đang tập trung nhân rộng và phát triển sản phẩm này. Như vậy, đến nay Cẩm Mỹ đã có 19 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao, 16 sản phẩm 3 sao.

Ngoài ra, huyện đã nhân rộng các dự án sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân; đồng thời, đang thực hiện 3 hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc của các tổ hợp tác sầu riêng Hoàn Quân, Suối Cả (thị trấn Long Giao) và Xuân Mỹ với tổng diện tích 158,8 hécta và 111 hộ dân tham gia.

UBND huyện Trảng Bom kiến nghị Sở KH-CN tiếp tục hỗ trợ huyện xây dựng nhãn hàng hóa, thiết kế bao bì sản phẩm, mã số vùng trồng, mã vạch, mã QR, website cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của huyện; đồng thời, tiếp tục mời gọi, thu hút các dự án công nghệ cao, tự động hóa, các ngành công nghiệp phụ trợ, giảm ô nhiễm môi trường, giảm lao động, thu hút lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.

Còn tại huyện Vĩnh Cửu, theo Phó chủ tịch UBND huyện Trần Dương Hùng, huyện đã phối hợp với Sở KH-CN, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai triển khai thực hiện đề tài cấp tỉnh Nghiên cứu phát triển đa dạng hóa sản phẩm thực phẩm từ bưởi da xanh. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển mạnh các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn như: xoài, bưởi, cam, quýt. Qua đó, đã xây dựng thành công 2 vùng sản xuất cây chủ lực theo tiêu chuẩn VietGAP là cây bưởi ở xã Tân Bình và cây xoài ở xã Phú Lý. Các hộ nông dân được hỗ trợ vật tư nông nghiệp, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ KH-CN, các biện pháp kỹ thuật canh tác mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

* Nhiều đơn đặt hàng

Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Cửu đề xuất với Sở KH-CN thực hiện một số đề tài, dự án ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào quản lý vận hành, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số cho một số lĩnh vực như: cập nhật giấy phép xây dựng, hồ sơ nghiệm thu hoàn công, biển số nhà lên bản đồ địa chính. Xây dựng Dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên cây rau, nấm ở xã Bình Lợi, Trị An. Huyện cũng đề xuất mô hình Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất cây có múi tại xã Hiếu Liêm; xây dựng, chuyển giao các mô hình trồng lúa chất lượng cao…

Về quản lý chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu kiến nghị Sở KH-CN hỗ trợ huyện đề xuất UBND tỉnh có quyết định giao cho đơn vị, tổ chức phù hợp để tạo điều kiện cho việc quản lý chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều sớm đi vào hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, hỗ trợ huyện triển khai đề tài khoa học công nhận quy trình ứng dụng lợi khuẩn Probiotic và nấm men rượu trong sản xuất nông nghiệp, xử lý môi trường trên địa bàn huyện...

Trong khi đó, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song theo lãnh đạo UBND huyện Cẩm Mỹ, công tác phối - kết hợp giữa các ngành và địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ KH-CN chưa kịp thời và đồng bộ. Tình hình dịch bệnh, giá nguyên vật liệu và giá một số mặt hàng nông sản không ổn định đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Do đó, việc đầu tư ứng dụng KH-CN vào sản xuất còn hạn chế.

“Huyện Cẩm Mỹ kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện, đặc biệt là đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến nông sản chủ lực cho huyện, liên huyện. Tăng cường tổ chức tập huấn, thực hiện hoạt động áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn. Mặt khác, hỗ trợ huyện xây dựng câu lạc bộ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” - ông Lê Văn Tưởng nói.

Tại các buổi làm việc với các địa phương, Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông mong muốn các địa phương quan tâm hơn nữa đến hoạt động đổi mới sáng tạo và xây dựng không gian khởi nghiệp trên địa bàn huyện để người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay. Với những kiến nghị của các địa phương, Sở KH-CN sẽ liên kết, phối hợp với các viện, trường để hỗ trợ chuyển giao ứng dụng những công nghệ mà địa phương có nhu cầu.      

Hạnh Dung

Tin xem nhiều