Báo Đồng Nai điện tử
En

Khơi gợi hứng thú học tập qua hoạt động trải nghiệm

Hải Yến
07:10, 26/04/2024

Thời gian qua, các trường học tại Đồng Nai ngày càng quan tâm, đầu tư tổ chức các hoạt động trải nghiệm (HĐTN), tạo nên một môi trường học tập sinh động, hấp dẫn. Bằng cách tổ chức các HĐTN thường xuyên, chất lượng, học sinh có cơ hội thể hiện, phát triển tính sáng tạo và năng lực cá nhân, khơi gợi hứng thú trong học tập…

Học sinh khối 11 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa) tham gia hoạt động trải nghiệm với chủ đề Biển Việt Nam - sóng Việt Nam. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Học sinh khối 11 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa) tham gia hoạt động trải nghiệm với chủ đề Biển Việt Nam - sóng Việt Nam. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Làm thế nào để HĐTN diễn ra một cách khoa học, an toàn, gợi hứng thú cho học sinh… là vấn đề đặt ra đối với các nhà trường.

Đa dạng, phong phú

Biển Việt Nam - sóng Việt Nam là chủ đề của HĐTN do Tổ bộ môn Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa) tổ chức mới đây.

Theo cô Lưu Đặng Hoàng Yến, Tổ trưởng Tổ bộ môn Sử - Địa - Giáo dục công dân, trong nội dung học kỳ 2 của môn học Lịch sử lớp 11 có chủ đề về Biển Đông. HĐTN nhằm mang đến một hình thức học tập mới mẻ cho học sinh, giúp các em chủ động tìm hiểu kiến thức về địa lý tự nhiên Biển Đông, lịch sử biển đảo Việt Nam, luật pháp về biển. Đồng thời, học sinh còn được tham gia các hoạt động như: vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ biển đảo, biểu diễn văn nghệ. 28 lớp 11 với hơn 1,2 ngàn học sinh đã tham gia chuỗi hoạt động này.

Cô Hoàng Yến cho hay: “Khi tổ chức triển khai cho học sinh, các em khá hào hứng, hợp tác, chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và nhờ thầy cô tư vấn thêm. Đối với các phần thi vẽ tranh, văn nghệ, các em có sự đầu tư, mang đến những tiết mục sinh động, hấp dẫn, ý nghĩa”.

Để tổ chức thành công HĐTN, tổ bộ môn đã lên kế hoạch sớm, phân công nhiệm vụ cho các giáo viên bộ môn và triển khai đến học sinh, hàng tuần triển khai tiến độ chuẩn bị của học sinh để góp ý, điều chỉnh cho phù hợp.

Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018, Sở Giáo dục và đào tạo đã chủ động biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Tài liệu này được biên soạn theo hướng mở, giúp phát triển phẩm chất, năng lực người học. Học sinh được tạo điều kiện tăng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn của địa phương; phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng lực, thế mạnh của bản thân… Với việc được chủ động trong xây dựng chủ đề, kế hoạch dạy học, các trường có thể tổ chức nhiều HĐTN cho học sinh tham gia.

Theo cô Hoàng Yến, tổ chức HĐTN giáo viên sẽ vất vả hơn, nhưng học sinh có động lực để chủ động học bằng nhiều hình thức khác nhau; các em có cơ hội làm việc theo nhóm và phát huy được năng lực cá nhân.

Ngay sau khi tổ chức HĐTN Biển Việt Nam - sóng Việt Nam cho học sinh khối 11, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng tiếp tục tổ chức Ngày hội đọc sách và Cuộc thi Sân khấu hóa theo sách cho học sinh toàn trường tham gia. Tiếp đó, ngày
20-4, Trường phối hợp với Báo Đồng Nai tổ chức Chương trình Tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh cho học sinh khối 12. Liên tiếp các HĐTN, hướng nghiệp được tổ chức, giáo viên của trường cũng bận rộn, vất vả hơn. Bù lại, học sinh của trường có thêm nhiều sân chơi, cơ hội để tìm hiểu, học hỏi và trải nghiệm mà nếu chỉ ngồi trong lớp học sẽ không thể có được.

Những năm gần đây, các trường học của Đồng Nai ngày càng đầu tư nhiều hơn cho HĐTN, bởi đây là một nội dung bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018. Việc tổ chức các HĐTN giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện để phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng…

HĐTN được tổ chức ở tất cả các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông. Các HĐTN thường được nhà trường thiết kế theo chủ đề môn học, các đợt kỷ niệm, các ngày lễ lớn và phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường. 

Chẳng hạn, trong thời gian cao điểm của nắng nóng, Trường trung học cơ sở Nguyễn Đức Ứng (huyện Long Thành) đã tổ chức Chương trình Huấn luyện và trải nghiệm Một ngày làm lính cứu hỏa. Trong hoạt động này, học sinh của trường được các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm; thực hành dập tắt đám cháy xăng dầu bằng bình chữa cháy xách tay; hướng dẫn sử dụng vòi chữa cháy, thực hành phun nước chữa cháy…

Hay nhân Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ trái đất năm 2024, Trường trung học phổ thông Long Khánh đã tổ chức HĐTN về chủ đề môi trường. Không có sân khấu hoành tráng, không cần nhiều đạo cụ, những tiểu phẩm do chính học sinh trong bộ đồng phục hàng ngày biểu diễn đã truyền đi thông điệp về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động mọi người cùng nâng cao ý thức, đưa ra các biện pháp thực tiễn trong việc bảo vệ môi trường.

Ở bậc tiểu học, thay vì cho học sinh “học chay” trong lớp học, nhiều giáo viên đã đưa học sinh xuống sân trường, ra vườn cây thuốc nam, vườn rau của trường để học các bài học của môn Khoa học. Những tiết chào cờ khô khan với những phần đọc điểm thi đua, nhắc nhở học sinh vi phạm… được thay bằng những tiểu phẩm về các chủ đề tình bạn, tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò…

Học sinh mê trải nghiệm

Việc tổ chức các HĐTN như một làn gió mới trong giáo dục, giúp học sinh hào hứng hơn với những trải nghiệm học tập mới. Từ những HĐTN do nhà trường, thầy cô tổ chức, nhiều học sinh đã chủ động tổ chức các sân chơi cho chính mình và bạn bè.

Nguyễn Lê Phương Thúy, học sinh lớp 11 Anh 2, Trường trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Anh và là cộng tác viên chương trình phát thanh của trường. Với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tiếng Anh, Phương Thúy cùng các thành viên đã tổ chức các cuộc thi, không chỉ giúp các bạn có thêm cơ hội học tiếng Anh, mà còn hướng đến việc bồi đắp tình cảm, lòng biết ơn…

Phương Thúy cho biết, từ khi còn học trung học cơ sở, em đã thường xuyên tham gia các HĐTN, trong đó có nhiều cơ hội làm MC (người dẫn chương trình) trong các HĐTN. Vì vậy, khi Đoàn Trường trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh có chương trình radio, Phương Thúy đã trở thành cộng tác viên với vai trò MC của chương trình.

Từ trải nghiệm cá nhân, Phương Thúy cho rằng, bên cạnh việc học thì học sinh cần có sân chơi để trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết. Những kỹ năng này sẽ có ích cho việc học tập ở các bậc học tiếp theo hoặc khi đi làm. Ngoài ra, tùy nội dung mà HĐTN còn có thể bổ trợ thêm cho môn học chính khóa.

Bên cạnh các HĐTN tổ chức trong khuôn viên nhà trường, nhiều trường học còn tổ chức các chương trình trải nghiệm bên ngoài nhà trường, thu hút học sinh và cả phụ huynh tham gia. Theo đó, học sinh được đến thăm các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương như: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng Đồng Nai (thành phố Biên Hòa); Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ (huyện Tân Phú); công viên văn hóa Đền Hùng (huyện Trảng Bom)… Những chuyến đi này giúp học sinh hiểu thêm về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử của vùng đất
Đồng Nai…

Mặc dù có nhiều lợi ích, song không phải trường học nào cũng chú trọng tổ chức HĐTN một cách thực chất. Thậm chí, có trường học rất hiếm khi tổ chức hoạt động này.

Chị Nguyễn Ánh Tuyết (ngụ thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 7 ở một trường công lập. Cháu than rất buồn vì chẳng khi nào thấy trường tổ chức HĐTN. Ngay cả trong những dịp lễ lớn như: Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… nhà trường cũng hầu như không có hoạt động đáng kể. Đây là trường có chất lượng dạy học tốt nhưng việc không có HĐTN cho học sinh khiến tôi đánh giá về trường không cao”.

Hải Yến

Tin xem nhiều