Báo Đồng Nai điện tử
En

Người khuyết tật tạo việc làm cho người không khuyết tật

Văn Truyên
07:25, 18/04/2024

Mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Thình (khuyết tật chân, ngụ thị trấn Long thành, huyện Long Thành) dẫn đội thợ của mình đến các công trình xây dựng nhà ở để làm việc. Mỗi tuần, một lao động được nhận từ 2,3-3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thình (bìa trái, khuyết tật chân, ngụ thị trấn Long thành, huyện Long Thành) phát cơm cho người khuyết tật. Ảnh: S.Thao
Ông Nguyễn Văn Thình (bìa trái, khuyết tật chân, ngụ thị trấn Long thành, huyện Long Thành) phát cơm cho người khuyết tật. Ảnh: S.Thao

Không ít trường hợp như ông Thình, dù là người khuyết tật (NKT) nhưng vẫn chủ động vươn lên để hòa nhập cộng đồng, rồi giúp đỡ việc làm cho người xung quanh.

Tạo việc làm cho mình và mọi người

Ông Nguyễn Văn Thình bị khuyết tật chân bẩm sinh. Theo ông Thình, Nhà nước rất quan tâm đến NKT thông qua chính sách trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, tổ chức các hoạt động tham quan miễn phí, các liên hoan văn nghệ… Song không vì vậy mà NKT, nhất là NKT còn khả năng lao động như ông ỷ lại, mà muốn vươn lên bằng sức lao động của mình.

Do vậy, sau thời gian dài đi phụ hồ, ông lên tay thành thợ. Rồi được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, ông nhận những công trình xây dựng nhà ở tại địa phương. Khi nhận công trình, ông rủ những người chưa có việc làm ở khu dân cư theo phụ hồ, liên hệ đồng nghiệp để kết thành đội thợ xây của riêng mình. Tuy công việc lúc nhiều, lúc ít vì phụ thuộc vào nhiều yếu  tố, song ông rất vui vì đã tạo được việc làm cho mình và những người xung quanh.

Từ năm 1998, ngày 18-4 được chọn là Ngày NKT Việt Nam. Chủ đề của Ngày NKT Việt Nam năm nay được Liên hiệp hội về NKT Việt Nam (VFD) chọn là: “Cùng hành động để NKT tiếp cận và sống độc lập”.

Hàng ngày, anh Phạm Khánh Hưng (khuyết tật chân, ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) dậy sớm mở cửa phòng net chờ 2 lao động đến làm việc.

Anh Hưng bị khuyết tật bẩm sinh và đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Được gia đình tạo điều kiện và vay vốn từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, anh mở tiệm net. Khi có nhiều khách hàng, anh mở rộng cửa tiệm rồi thuê thêm người để túc trực, quản lý tài sản (xe máy, máy vi tính), hỗ trợ người chơi khi gặp trở ngại… Từ đó, 3 người (1 khuyết tật và 2 người không khuyết tật) hỗ trợ nhau trong công việc. 

Còn anh Cao Nghĩa (ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) bị khuyết tật 2 chân. Vượt qua những bất tiện, thiệt thòi, anh Nghĩa vẫn cố gắng học và gắn bó với nghề chụp ảnh, chỉnh sửa hình ảnh, video. Để có thêm khách hàng, anh nhận việc online từ khách hàng khắp nơi.

Không chỉ có thêm khách hàng, nhiều gia đình còn gửi con em đến tiệm của anh Nghĩa để học nghề. Những học trò này sau đó được anh nhận ở lại làm việc. Tuy thu nhập chưa cao vì thù lao lãnh theo sản phẩm và đơn hàng, song đây cũng là bước khởi đầu cho nhiều thanh niên muốn vừa làm, vừa học thêm kỹ thuật.

Anh Nguyễn Quân (ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) cho hay, khi học nghề với anh Nghĩa, anh được thực hành nhiều nên nhanh “lên tay”. Dù học nghề, Quân vẫn được anh Nghĩa trả tiền cho các phần việc đã làm để có thu nhập trang trải tiền xăng xe đi lại mà không phải xin cha mẹ. 

Giúp NKT tiếp cận chương trình an sinh

Không chỉ vươn lên tự làm chủ, tạo việc làm cho người xung quanh, nhiều NKT còn là cầu nối trợ giúp NKT, người không khuyết tật tiếp cận các chương trình an sinh xã hội.

Trong số này có chị Nguyễn Thị Hiên đang công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Cha chị Hiên tham gia kháng chiến và bị nhiễm chất độc da cam. Vì vậy, khi vừa ra đời, chị Hiên bị di chứng của chất độc da cam làm liệt một chân, chân còn lại cũng yếu nên việc đi lại có phần bất tiện. Khi hơn 10 tuổi, chị được một tổ chức từ thiện hỗ trợ chi phí để phẫu thuật chỉnh hình đến 5 lần. Đến nay, tuy vận động còn khó khăn song chị có thể tự chủ trong việc đi lại.

Năm 2012, chị Hiên được nhận vào làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. Đặc biệt, sau khi tham gia học tập tại Trường đại học Công nghệ Queensland (Australia), chị Hiên cùng bạn học đã viết Dự án Tăng cường bình đẳng cơ hội việc làm cho NKT trong ngành logistics và được Quỹ Hỗ trợ cựu sinh viên Australia tài trợ thực hiện. Thông qua dự án này, chị Hiên cùng nhóm cộng sự đã góp phần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp ngành logistics về khả năng của NKT, về bình đẳng và hòa nhập của NKT tại nơi làm việc.

Đồng thời, chị Hiên còn được giao phụ trách các dự án của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trong kêu gọi vận động hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, chị Hiên còn kết nối các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho NKT; vận động hỗ trợ học bổng cho con của NKT, con của nạn nhân chất độc da cam.

Anh Nguyễn Minh Tiền (nạn nhân chất độc da cam tại thành phố Biên Hòa) cho hay, thông qua sự sẻ chia, trợ giúp từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và chị Hiên, bản thân anh cùng gia đình đã có thêm sự trợ giúp cả về vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống.

Theo thống kê của Sở Lao động, thương binh và xã hội, Đồng Nai hiện có trên 40 ngàn NKT. Trong số này có 34,3 ngàn NKT nặng, NKT đặc biệt nặng và hộ gia đình chăm sóc đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng. Tại Đồng Nai, mức chuẩn trợ giúp xã hội dành cho NKT thấp nhất là 600 ngàn đồng/người/tháng và cao nhất là 1 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, ngân sách tỉnh chi trợ cấp cho NKT khoảng 150-180 tỷ đồng.

Cũng là một NKT - nạn nhân chất độc da cam với tỷ lệ thương tật 42%, trong 17 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Long Thành, ông Nguyễn Văn Điển đã giúp cho nhiều NKT, người không khuyết tật là con em nạn nhân chất độc da cam có cơ hội học tập để lập thân, lập nghiệp.

Long Thành hiện có 260 nạn nhân chất độc da cam. Bên cạnh chế độ trợ cấp của Nhà nước, để hỗ trợ cho những trường hợp này, ông đã vận động nguồn lực xã hội hóa để trợ cấp thường xuyên cho gần 50 NKT với số tiền từ 300-500 ngàn đồng/người/tháng. Đồng thời, ông Điển duy trì quỹ học bổng từ nguồn xã hội hóa để giúp cho con em nạn nhân chất độc da cam.

Cùng với vận động, 7 năm qua, ông Điển tiết kiệm tiền lương của mình để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Qua đó, ông đã trao tặng xe lăn cho chị Nguyễn Thị Bé Tư (ngụ xã Long Phước, bị khuyết tật 2 chân) để giúp chị này có phương tiện đi bán vé số; tặng máy vi tính cho chị Nguyễn Thị Thanh (khuyết tật chân tay, ngụ xã Lộc An) để chị có phương tiện học đại học.

Ủy viên Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên cho hay, nhờ những nỗ lực mà chị Hiên, ông Điển đã trở thành cầu nối hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân chất độc da cam, NKT, người không khuyết tật tiếp cận với các chương trình an sinh xã hội.   

            Văn Truyên

Tin xem nhiều
Cập nhập tin tuyển dụng nhanh chóng