Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm động lực, điểm tựa cho người lao động

Nguyễn Hòa
09:29, 26/04/2024

Xây, sửa nhà mới, thành lập trung tâm phúc lợi, hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng việc làm… là những mô hình thiết thực được các cấp Công đoàn và doanh nghiệp (DN) quan tâm thực hiện nhằm nâng cao đời sống người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý thăm hỏi, động viên lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: N.Hòa
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý thăm hỏi, động viên lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: N.Hòa

Những hoạt động có chiều sâu đã tiếp thêm động lực để NLĐ hăng say sản xuất, góp phần cùng DN phục hồi sản xuất sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới.

Chia sẻ kịp thời

Công nhân Đoàn Thị Kim Chung, làm việc tại Công ty TNHH Tuico (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), bị bệnh hiểm nghèo hơn 3 năm nay. Thế nhưng, chưa bao giờ chị Chung đầu hàng trước bệnh tật mà chị vừa điều trị bệnh, vừa làm việc nhằm có thu nhập lo cho gia đình.

Để có tinh thần lạc quan đó, chị luôn nhận được quan tâm từ Công đoàn các cấp. Ngoài động viên bằng tinh thần, những phần quà, những sự hỗ trợ kịp thời đã giúp chị có động lực để chiến đấu với bệnh tật.

Tại lễ phát động Tháng Công nhân năm 2024 mới đây, chị Chung xúc động khi nhận phần quà trị giá 2 triệu đồng từ Liên đoàn Lao động tỉnh.

“Tôi rất xúc động bởi với công nhân xa quê, xa con đi làm ăn đã thiếu thốn tình cảm, nay bị bệnh thì khó khăn càng “chồng chất”. Món quà của Công đoàn đến đúng lúc giúp tôi và nhiều lao động không may mắn có thêm niềm tin vững bước với cuộc sống” - chị Chung chia sẻ.

Đồng Nai hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó 60% là lao động nhập cư. Năm 2024, các cấp Công đoàn Đồng Nai tiếp tục đổi mới hoạt động, tăng cường chăm lo việc làm, đời sống để NLĐ yên tâm cống hiến cho DN, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, nhiều hoàn cảnh như chị Chung được các cấp Công đoàn đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, nhiều Công đoàn cơ sở còn vận động kinh phí để hỗ trợ công nhân điều trị bệnh. Hoạt động chăm lo cho NLĐ còn được lan tỏa rộng ở nhiều đối tượng, hoàn cảnh khác nhau, nhất là thời điểm năm 2023, nhiều lao động bị mất việc khiến thu nhập không đủ đảm bảo cuộc sống, Công đoàn tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó, NLĐ trên địa bàn tỉnh đã vượt khó tiếp tục làm việc, gắn bó với các DN.

Anh Trần Văn Ninh (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) là một trong những lao động bị ảnh hưởng việc làm đã nhận được sự hỗ trợ của Công đoàn 1,5 triệu đồng. Anh Ninh cho biết, những lúc khó khăn nhất, NLĐ rất cần đến sự quan tâm của Công đoàn làm điểm tựa để vực dậy. Sự chia sẻ kịp thời của Công đoàn, DN tác động rất lớn đến tinh thần, tư tưởng làm việc của NLĐ. Hiện tại, dù công việc đã trở lại ổn định nhưng anh vẫn không quên sự hỗ trợ bằng hành động ý nghĩa của Công đoàn.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống NLĐ là mục tiêu của tổ chức Công đoàn nhằm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028. Theo đó, các cấp Công đoàn xây dựng các chương trình, hoạt động cụ thể, lấy đoàn viên, NLĐ làm trọng tâm, hướng các hoạt động về cơ sở. Việc này thể hiện qua các hoạt động, chính sách hỗ trợ NLĐ nhanh nhạy, kịp thời. Riêng dịp Tết Nguyên đán 2024, đã có trên 400 ngàn đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn hỗ trợ với số tiền khoảng 250 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, trong quý I-2024, tình hình lao động, việc làm có nhiều khởi sắc, công nhân ở nhiều DN có việc làm đều và thu nhập ổn định. Đây là tín hiệu vui không chỉ đối với NLĐ mà cả tổ chức Công đoàn. Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị các cấp Công đoàn phối hợp với chủ DN tổ chức đối thoại nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; đẩy mạnh các hoạt động chăm lo phù hợp để động viên công nhân yên tâm sản xuất.

“Đích đến là tạo gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên và tổ chức Công đoàn, để Công đoàn thực sự là điểm tựa của NLĐ” - bà Như Ý nhấn mạnh.

Chị PHAN THỊ KIỀU, công nhân Công ty TNHH Great Veca (Khu công Nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), cho biết: “Tôi bị tai nạn lao động trong lúc làm việc và bị thương tật tỷ lệ 50%. Những năm qua, tôi luôn nhận được sự động viên, quan tâm của DN và Công đoàn. Mới đây, tôi nhận được phần quà của UBND tỉnh trị giá 5 triệu đồng. Tôi mong tỉnh cũng như tổ chức Công đoàn sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ để họ yên tâm gắn bó, cống hiến cho địa phương.

Những mô hình thiết thực

Từ đầu năm đến nay, khi đơn hàng của các DN phục hồi, nhiều Công đoàn cơ sở đã tranh thủ sự hỗ trợ của DN để thực hiện nhiều mô hình thiết tực hướng đến NLĐ. Cụ thể, Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) đã thành lập Đội Tình nguyện sửa chữa nhà cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động mới của Công đoàn công ty trong năm 2024 nhằm giải quyết những khó khăn, bấp cập về đời sống, nhu cầu nhà ở của công nhân. Trong sáng 21-4, đội đã đến sửa căn nhà đầu tiên cho chị Đinh Thị Thương, công nhân có hoàn cảnh neo đơn, hiện nuôi 3 con nhỏ và sống trong căn nhà dựng tạm bợ.

Phấn khởi vì được sửa lại căn nhà xuống cấp, chị Thương cho biết, mùa này nắng nóng, căn nhà lại chật hẹp nên mọi sinh hoạt của gia đình đều chật vật. Khi được đội tình nguyện công ty và cán bộ Công đoàn đến khảo sát, sửa lại nhà, chị yên tâm phần nào về nơi ở của mình. Chị Thương mong sẽ có nhiều căn nhà của công nhân được sửa, xây mới để NLĐ có không gian sống tốt hơn, không còn lo lắng khi mùa mưa đến.

Cũng trong tháng 4 này, nhằm chăm lo phúc lợi đoàn viên, Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina (thành phố Biên Hòa) đã thành lập trung tâm phúc lợi dành cho NLĐ của công ty. Đây là mô hình hỗ trợ công nhân mua các mặt hàng thiết yếu giá rẻ, phù hợp thu nhập. Đặc biệt, Công đoàn sẽ căn cứ vào nhu cầu của NLĐ để cung cấp các mặt hàng giá ưu đãi, công nhân có thể mua hàng trực tiếp tại trung tâm hoặc đăng ký phiếu mua và nhận hàng sau giờ tan ca.

Chị Lê Thị Minh Yến, làm việc tại công ty, cho biết công nhân thường chọn mua hàng hóa thiết yếu bên ngoài giá rẻ nhưng không có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi Công đoàn thành lập trung tâm phúc lợi, ai cũng phấn khởi vì đáp ứng mong muốn NLĐ. Riêng trong ngày khai trương, công nhân được mua 6 món hàng thiết yếu với giá 160 ngàn đồng.

“Chúng tôi có thể vào mua hàng thoải mái mà không còn lo về giá cả hay hàng giả. Ngoài ra, công nhân được mua giá ưu đãi, giảm bớt chi phí trong thời điểm giá cả leo thang như hiện nay” - chị Yến chia sẻ.

Đồng hành cùng Công đoàn chăm lo cho NLĐ, các DN không chỉ đảm bảo việc làm, thu nhập mà còn tận tâm lo cho công nhân. Điều này được thể hiện thông qua việc tăng lương, thưởng trong dịp Tết vừa qua; một số DN trích lợi nhuận để hỗ trợ NLĐ bằng nhu yếu phẩm.

Điển hình như Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) trong tháng 3 vừa qua tiếp tục tặng 5 tấn gạo ST25 cho 5 ngàn lao động làm việc tại công ty. Những túi gạo được trao đến tay công nhân đã thể hiện sự chia sẻ, quan tâm của DN đối với NLĐ. Những mô hình mới, cách làm trên được triển khai dựa trên mong mỏi, nhu cầu của NLĐ.

Đại diện Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) cho biết, bên cạnh mục tiêu phát triển bền vững thì công tác an sinh xã hội, chăm lo thiết thực cho NLĐ là nội dung trọng tâm của DN. Trong đó, ngoài tạo việc làm thường xuyên cho NLĐ, công ty tổ chức nhiều hoạt động phong trào và nhận được sự hưởng ứng của NLĐ như: Ngày hội Gia đình công nhân, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tổ chức cho NLĐ tham quan du lịch... Các hoạt động này tạo được sự tin tưởng, tiếp thêm động lực để công nhân thi đua sản xuất, thúc đẩy DN ngày càng phát triển.

Nguyễn Hòa

Tin xem nhiều