Trung bình mỗi năm Đồng Nai có từ 30-32 ngàn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) nhưng theo thống kê chỉ có khoảng 10% trong số đó chọn “bến đỗ” là các trường đại học trong tỉnh. Phần lớn số còn lại thường chọn “điểm đến” là các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh với chi phí học tập ngày càng đắt đỏ.
Phó giám đốc Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại Đồng Nai, tiến sĩ Mai Hải Châu trao học bổng cho học sinh Trường THPT Thống Nhất A. Ảnh:C.Nghĩa |
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Trảng Bom) Lê Văn Thọ cho hay: “Phần đông học sinh của trường sau khi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng học lên đại học. Các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh thường được chọn nhiều hơn thay vì ở Đồng Nai”.
Cân nhắc kỹ chi phí học tập
Theo Hiệu trưởng Lê Văn Thọ, chuyện học sinh muốn lựa chọn xét tuyển vào các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh là điều dễ hiểu, bởi đây là một trong những trung tâm giáo dục đại học lớn hàng đầu của đất nước, tập trung nhiều trường đại học, ngành nghề đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó, phải thừa nhận, các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai khá mạnh công tác truyền thông, tiếp cận học sinh lẫn cả phụ huynh, nhất là thời điểm các em chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học.
Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó giám đốc Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại Đồng Nai:
Nhiều năm học liên tiếp trường không tăng học phí
Mức học phí của Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại Đồng Nai vẫn ở mức rất thấp so với các trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm học chỉ từ 11-13 triệu đồng. 4 năm học gần đây, nhà trường không tăng học phí và chưa có kế hoạch tăng học phí nhằm thu hút và hỗ trợ sinh viên. Ngoài học phí thấp, sinh viên còn được hỗ trợ ký túc xá, việc làm thêm để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt và tích lũy kinh nghiệm.
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch) Nguyễn Văn Viên cho hay, năm học nào cũng có khá nhiều trường đại học, cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh đến trường xin tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, từ đó tiếp cận học sinh để tuyển sinh. So với các trường tại Đồng Nai, các trường ở Thành phố Hồ Chí Minh có cách tiếp cận học sinh mạnh hơn nên thu hút được khá nhiều học sinh đăng ký xét tuyển. Đây cũng là lý do vì sao nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT lại không ở lại tỉnh học tập.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Viên cho biết thêm: “Chi phí học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh khá đắt đỏ so với học đại học, cao đẳng tại Đồng Nai. Có những em dù điều kiện kinh tế gia đình không khá giả lắm nhưng vẫn không chịu đăng ký những trường gần nhà, dù chất lượng đào tạo của các trường trong tỉnh khá tốt. Đơn cử như Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai hay Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ở huyện Long Thành. Các trường này có thời gian đào tạo ngắn, học phí lại rất thấp, các em có thể đi về trong ngày, đỡ tốn kém cho bản thân và gia đình”.
Tại Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành), năm 2023, chỉ có 16 học sinh chọn học tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Một số khác chọn học tại Trường đại học Đồng Nai hay các trường cao đẳng ngay trên địa bàn huyện.
Chị Phạm Thị Tuyết Trọng, phụ huynh có con học tại Trường THPT Tam Phước (thành phố Biên Hòa), cho hay chị có một người con đang học đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh với chí phí hàng tháng gồm cả học phí lên đến gần 10 triệu đồng. Chính vì vậy, chị đang cố gắng thuyết phục người con còn lại sắp tốt nghiệp THPT sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học ở thành phố Biên Hòa, chẳng hạn như Trường đại học Đồng Nai, để giảm bớt áp lực kinh tế.
Chị Trọng cho hay, nếu học đại học tại Biên Hòa, chi phí mỗi tháng chỉ bằng một nửa so với học ở Thành phố Hồ Chí Minh vì ăn cơm nhà, không tốn tiền nhà trọ.
Tìm cách “giữ chân” học sinh sau THPT
Hiệu trưởng nhiều trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Biên Hòa cho hay, phần lớn học sinh có học lực khá, giỏi thường đăng ký xét tuyển vào các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các trường đại học thuộc khối ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, kiến trúc… vẫn là lựa chọn hàng đầu, dù chi phí học tập khá đắt đỏ. Tuy nhiên, không phải em nào cũng phù hợp với môi trường học tập đó, do đó nhà trường cũng định hướng cho cả học sinh lẫn phụ huynh trong việc lựa chọn môi trường học tập tốt, cả về chất lượng lẫn chi phí học tập.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tài trợ cho Trường đại học Lạc Hồng trang thiết bị đào tạo để đổi lấy sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ảnh:C.Nghĩa |
Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Quang Thái cho hay, học sinh của trường hầu hết có hộ khẩu ở Biên Hòa, trong đó nhiều em cha mẹ là công nhân với thu nhập còn thấp, nuôi con ăn học rất “đuối”. Khi có các trường đại học hay cao đẳng trong tỉnh đến trường quảng bá tuyển sinh, nhà trường luôn tạo điều kiện và mong những em có hoàn cảnh khó khăn sau này sẽ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, hoặc cao đẳng trong tỉnh.
Theo Sở Lao động, thương bình và xã hội, Đồng Nai vẫn đang thiếu nhiều lao động có trình độ, dù hàng năm số sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp khá nhiều. Thậm chí có rất nhiều sinh viên sau khi tốt nhiệp các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đến Đồng Nai tìm việc làm. Nếu sinh viên học ở Đồng Nai, sau này làm việc ở Đồng Nai lại càng có nhiều lợi thế hơn, bởi đã quen và am hiểu về Đồng Nai.
Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, tiến sĩ Lâm Thành Hiển chia sẻ, dù có điều kiện nhưng con của ông vẫn quyết định chọn trường đại học mà cha đang công tác để học tập sau khi tốt nghiệp THPT. Quyết định ở lại Đồng Nai học đại học thay vì lên Thành phố Hồ Chí Minh được ông ủng hộ hoàn toàn, vì thực tế môi trường học tập nào cũng tốt nếu con mình thực sự nghiêm túc và nỗ lực học tập.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển đánh giá, ngoài môi trường học tập tốt vì các trường có sự đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo hướng đến chuẩn quốc tế thì môi trường trải nghiệm ở Đồng Nai được xem là khá năng động và sẽ còn tốt hơn trong tương lai. Thậm chí, nhiều trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang muốn về Đồng Nai để mở cơ sở. Hơn nữa, kinh tế Đồng Nai phát triển đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thuận lợi hơn cho sinh viên sau khi ra trường. Thực tế là hàng năm có tới trên 80-90% sinh viên đến Đồng Nai học tập là từ các tỉnh, thành khác, điều đó cho thấy môi trường học tập ở Đồng Nai có nhiều ưu thế.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng trường Trường đại Công nghệ Đồng Nai, tiến sĩ Phan Ngọc Sơn cho rằng, Đồng Nai đang rất cần nhân lực chất lượng cao, sẽ tốt hơn nếu giữ chân được học sinh của tỉnh sau khi tốt nghiệp THPT ở lại tỉnh học đại học hoặc học nghề để cung cấp cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Nếu ở lại tỉnh học, các em sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về học phí, tiết kiệm được nhiều chi phí tiền bạc lẫn thời gian để tập trung cho việc học tập tốt hơn.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin