Báo Đồng Nai điện tử
En

Gieo “mầm” tử tế:
Bài 1: Kết nối tấm lòng, chia sẻ yêu thương

Nga Sơn - Văn Truyên
07:35, 13/05/2024

Mặc dù còn tất bật với cuộc sống mưu sinh nhưng với tình yêu thương và tinh thần sẻ chia, nhiều cá nhân vẫn dành thời gian, tâm huyết để làm những việc có ích với cộng đồng. Những việc họ làm tuy bé nhỏ nhưng giá trị mang lại cho xã hội lại vô cùng to lớn - là nguồn động lực để những hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế vươn lên, góp phần truyền đi những thông điệp tích cực về cuộc sống. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, ngày càng có nhiều người đang âm thầm kết nối những tấm lòng vàng để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Bà Bùi Thị Đào (bìa phải, khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) trao quà cho hội viên, phụ nữ khó khăn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bà Bùi Thị Đào (bìa phải, khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) trao quà cho hội viên, phụ nữ khó khăn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Địa chỉ thân quen của người khó khăn

14 năm trước, anh Nguyễn Đức Hưng vào làm việc tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu). Từ đó, anh quen biết và kết nối với một số anh, chị, em công nhân có tinh thần thiện nguyện lập nên nhóm thiện nguyện Công nhân có gì vui. Sau một thời gian, nhóm dừng hoạt động. Khi đó, anh Hưng tiếp quản trang Facebook Công nhân có gì vui và tiếp tục duy trì hoạt động thiện nguyện.

Ngoài trích thu nhập của mình để làm từ thiện, qua Facebook, anh Hưng còn nhận được sự đồng hành của anh, chị, em công nhân khác. Anh Hưng cho biết, những người đến với anh đều làm công nhân, cuộc sống không mấy dư giả nhưng hàng tháng vẫn đều đặn ủng hộ hoạt động của các anh. Từ đó, hàng tuần từ 2-3 buổi tối, anh tìm đến những người lao động nghèo mưu sinh về đêm dọc các tuyến đường để trao cho họ những suất ăn hoặc những phần bánh, sữa, nước. Song song đó, anh còn vận động hỗ trợ những trường hợp khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo chi phí điều trị bệnh.

“Có trường hợp tôi phát hiện, có trường hợp chủ động tìm đến tôi và nhiều trường hợp là do những người biết việc làm của tôi rồi “chỉ điểm”. Tất cả những trường hợp này, tôi đều xác minh trực tiếp hoặc online (nếu ở xa). Thông tin, hình ảnh thu được và thông tin ủng hộ, trao hỗ trợ tôi đều đăng tải lên Facebook, Zalo để vận động ủng hộ” – anh Hưng nói.

Trong lần đến thăm Trung tâm Nhân đạo Làng Tre (huyện Cẩm Mỹ), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh CAO VĂN QUANG biểu dương trung tâm trong việc chăm sóc cho những hoàn cảnh kém may mắn. Đồng thời cho biết, hầu hết các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập phải tự lực trong mọi hoạt động của mình. Do đó, rất cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Chính sự công khai, minh bạch ấy mà anh nhận được sự tin tưởng của những tấm lòng vàng. Bình quân mỗi năm, anh vận động hỗ trợ khoảng 30 trường hợp, với số tiền hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng/trường hợp.

Từng đi lên từ gian khó nên bà Bùi Thị Đào (khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) luôn mang tinh thần sẻ chia với những người khó khăn hơn.

Bà Đào là bác sĩ quân y. Cách đây hơn 30 năm, bà rời quê nhà Hà Nam vào Đồng Nai lập nghiệp, chọn Long Thành làm nơi gắn bó. Từ số vốn mang theo, bà mua đất, làm một căn nhà tạm để mở phòng mạch khám và điều trị bệnh cho người dân. Với những bệnh nhân có điều kiện, bà lấy đúng chi phí khám chữa bệnh nhưng với những bệnh nhân nghèo khó, bà khám chữa bệnh miễn phí. Số tiền kiếm được từ phòng mạch, bà đều dùng để mua đất. Từ chỗ chỉ có một mảnh đất, sau gần 10 năm, bà đã có 30 mảnh đất.

May mắn hơn, huyện Long Thành ngày càng phát triển, những mảnh đất bà mua dần có giá trị. Bà bán những mảnh đất ở xa, ở trong sâu để mua những mảnh đất ở gần trung tâm, đường lớn để cho thuê. Ngoài số tiền bán đất, bà có thêm nguồn thu nhập từ bất động sản cho thuê. Từ đó, bà có điều kiện để lo cho cuộc sống của những người thân trong gia đình và làm từ thiện.

Hàng năm, bà đều trích một phần thu nhập để chăm lo cho hội viên phụ nữ, con em hội viên phụ nữ và người dân có hoàn cảnh khó khăn bằng các việc làm như: hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, tặng đất xây mái ấm tình thương, hỗ trợ kinh phí xây dựng mái ấm tình thương, tặng quà… Thậm chí có trường hợp bà tặng đất xây nhà trị giá hàng tỷ đồng/mảnh. Từ năm 2000-2022, các hoạt động từ thiện bà làm ước tính khoảng 8 tỷ đồng.

Với sự hỗ trợ của bà Đào, cuối năm 2023 vừa qua, Chi hội phụ nữ khu Kim Sơn, thị trấn Long Thành đã khai trương Bếp ăn 0 đồng. Theo đó, vào ngày thứ sáu tuần thứ hai của tháng, bếp ăn sẽ nổi lửa để nấu khoảng 200 suất ăn 0 đồng dành tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn… Đây là mô hình đang được các đoàn thể ở nhiều địa phương phát huy nhằm chia sẻ gánh nặng mưu sinh với người nghèo.

Chăm sóc trẻ mồ côi, người già neo đơn

Đây là cách đang được nhiều tập thể, cá nhân thực hiện nhằm chia sẻ phần nào gánh nặng an sinh đối với hệ thống chính trị.

Thiền tự Phước Quang, xã Phước Thái (huyện Long Thành) là nơi đang chăm sóc 20 trẻ mồ côi, trẻ có cha mẹ, ông bà nhưng hoàn cảnh khó khăn không có khả năng nuôi dưỡng. Thượng tọa Thích Nguyên Thông, trụ trì Thiền tự Phước Quang, cho biết việc làm này được ông bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Tất cả trẻ mồ côi khi đến đây đều được lo từ miếng cơm, manh áo, giấc ngủ đến học hành. Không chỉ được chăm sóc, học hành, các em còn được dạy những điều hay, lẽ phải, cách làm người tử tế.

Bên cạnh trẻ em mồ côi, trẻ em gia đình không có điều kiện chăm sóc, thiền tự Phước Quang còn là nơi nương tựa của 34 người già neo đơn, không người chăm sóc trong độ tuổi từ 50-80 tuổi. Ai cũng được bố trí nơi ở, được cung cấp thực phẩm để tự nấu ăn theo khẩu vị, được trang bị thẻ bảo hiểm y tế để có cơ hội chăm sóc sức khỏe mỗi khi đau ốm…

Từng được cho người khác làm con nuôi khi mới 9 tháng tuổi nên đại đức Thích Chiếu Bổn, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Làng Tre, xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ), có sự đồng cảm, thấu hiểu và mong muốn tạo ra nơi chốn cưu mang những hoàn cảnh kém may mắn. Vì vậy, năm 2008, Trung tâm Nhân đạo Làng Tre ra đời. Từ đó đến nay, trung tâm trở thành ngôi nhà chung của hàng trăm trường hợp thiếu may mắn, trong đó chủ yếu là trẻ em, người già và người khuyết tật.

Theo chia sẻ của đại đức Thích Chiếu Bổn, có những trẻ đến đây chỉ vừa được sinh ra ít ngày, có người bại liệt không ai chăm sóc. Trẻ nhỏ nhất thì vài tháng tuổi, còn người cao tuổi nhất thì khoảng 90 tuổi. Ngoài việc tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở, trẻ em trong độ tuổi đến trường được tạo điều kiện học văn hóa ở trường; được hỗ trợ học nghề để sau này có việc làm, tự nuôi sống bản thân.

Tương tự, Cơ sở Trợ giúp xã hội Hòa Hảo do vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng, xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) gầy dựng đang là nơi nương tựa của khoảng 80 người già neo đơn, khuyết tật (trong đó có khoảng 50% người nằm một chỗ không thể đi lại được).

Những người già neo đơn, khuyết tật ở đây được vợ chồng bà Hồng và những người dân địa phương có tấm lòng hảo tâm chăm sóc kỹ lưỡng. Hàng ngày đều hỗ trợ vệ sinh cá nhân. Thức ăn được nấu mềm hoặc cắt nhỏ để người cao tuổi không bị nghẹn. Với những người sức khỏe yếu không thể tự ăn uống, bà Hồng sẽ trực tiếp đút ăn. Trong khuôn viên cơ sở, bà Hồng cũng bố trí sẵn tủ thuốc với nhiều loại cơ bản để sử dụng khi cần…

Không chỉ chăm sóc người già neo đơn, khuyết tật, hàng năm vào dịp lễ, Tết, gia đình bà Hồng còn vận động mạnh thường quân trao tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Nga Sơn - Văn Truyên

Bài 2: Trao đi những “giọt máu hồng

 
Tin xem nhiều