Báo Đồng Nai điện tử
En

Một ngày theo chân 'trinh sát' giữ rừng

An Nhơn
08:33, 03/05/2024

Trong cái nắng gắt, chói chang của cao điểm mùa khô năm 2024, chúng tôi đã theo chân lực lượng kiểm lâm thực hiện chuyến tuần tra, kiểm soát ở sâu trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra trong rừng sâu của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: A.Nhơn

Chuyến đi đã giúp cho chúng tôi hiểu được phần nào sự khó khăn, vất vả, nguy hiểm của những người làm công tác bảo vệ rừng.

Lần theo dấu vết trong rừng

8h sáng của một ngày cuối tháng 4-2024, chúng tôi cùng 5 kiểm lâm viên của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai (trong đó có nữ kiểm lâm viên Trần Thị Thùy Hương) đã có mặt tại trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu. Sau khi tập hợp, chúng tôi được kiểm lâm viên Nguyễn Bá Mạnh dẫn đi thăm các chốt trực nằm sâu trong rừng chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ cây ươi và phòng, chống cháy rừng.

Sau khoảng 2 giờ băng đường rừng bằng ô tô, đoàn chúng tôi đã đến chốt trực Bù Đăng (thuộc Trạm Kiểm lâm Bù Đăng). Vị trí chốt trực nằm sâu trong rừng (giáp ranh với tỉnh Bình Phước), sóng điện thoại hạn chế, điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm vẫn ngày đêm bám trụ để bảo vệ rừng.

Chỉ tay về dòng suối làm ranh giới giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, anh Sùng A K Dinh, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng, cho biết dòng suối hiện đã khô cạn nước nên người dân thường lợi dụng để xâm nhập vào rừng trái phép. Do vậy, lực lượng ở đây phải làm việc gấp đôi so với ngày thường, vừa phân công chốt trực, vừa phải thường xuyên tuần tra, phục đêm để ngăn chặn các đối tượng vào rừng thu hái lâm sản trái phép.

Hiện tổng diện tích có rừng và đất chưa có rừng trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu là hơn 74 ngàn hécta. Từ đầu mùa khô 2024 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền yêu cầu hàng ngàn người dân ra khỏi rừng để tránh gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Đến chốt trực Bù Đăng khi trời đã quá trưa nên các thành viên trong đoàn ăn vội bánh mì rồi tiếp tục hành trình đến thăm các chốt trực còn lại. Tuy nhiên, kế hoạch sau đó đã thay đổi. Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Ngọc Phượng gọi điện thoại nói tôi và chị Trần Thị Thùy Hương hãy đến Tiểu khu 33 (thuộc địa bàn Trạm Kiểm lâm Đa Kinde) sẽ có người đón chứ không nói cụ thể đi đâu, làm gì.

Đến nơi, chúng tôi thấy các anh: Nguyễn Ngọc Phượng, Võ An Giang (Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai), Đinh Nam Khương (Trạm Kiểm lâm Phú Lý) và Cao Văn Trường (Tổ Kiểm lâm cơ động, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu) đã đợi sẵn. Tại đây, mọi người phải đi bộ để vào sâu được vùng lõi của đại ngàn.

Sau khi đi bộ theo lối mòn với chiều dài khoảng 5km, đoàn quyết định cắt rừng để đi (xác định vị trí rồi đi xuyên rừng chứ không theo lối mòn). Việc cắt rừng để đi gặp nhiều khó khăn, hiểm trở, vì dưới mặt đất đầy bụi rậm, thảm mục là nơi các loài rắn, rết, bọ cạp ẩn nấp; trên đầu có nhiều cành cây khô ngã đổ chắn ngang lối đi; còn hai bên thì dây leo chằng chịt với nhiều gai nhọn. Nếu không quan sát cẩn thận thì nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào.

Trên đường đi, đoàn đã lần lượt phát hiện các dấu vết (chai nước, áo khoác…) của các đối tượng xâm nhập rừng trái phép để lại. Đoàn ra tín hiệu phân công anh Cao Văn Trường làm “trinh sát” đi trước để nắm bắt tình hình. 2 anh Võ An Giang và Định Nam Khương chia ra 2 lối để lần theo dấu vết. Còn anh Nguyễn Ngọc Phượng hỗ trợ đằng sau, đồng thời bảo vệ an toàn cho chúng tôi.

Tốc độ di chuyển tăng nhanh dần, các thành viên trong đoàn vừa phải băng qua nhiều khe suối sâu khô cạn nước với lổn nhổn đá, vừa trèo qua ngọn đồi dốc cao nên việc đi tuần tra rất vất vả. Càng đi sâu vào rừng già thì thời tiết càng nắng nóng khiến cho tôi mau thấm mệt, quần áo ướt sũng mồ hôi, đôi chân trở nên nặng nề. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng bám theo đoàn để không bị lạc.

Sau khoảng 2 giờ băng rừng, đoàn đã đến khu đồi phân bố nhiều cây ươi (thuộc khoảnh 4, Tiểu khu 39, Trạm Kiểm lâm Đa Kinde). Tại đây, đoàn đã phát hiện nhiều cây ươi đã thu hái trái, thậm chí có cây đã bị chặt, mé nhánh. Thấy nhiều dấu vết còn mới, đoàn tiếp tục cắt rừng đi khoảng 1km để đến ngọn đồi thứ 2 (thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 39, Trạm Kiểm lâm Đa Kinde).

Lúc này, tôi đã quá mệt nên nằm xuống đất, đầu tựa vào gốc cây để nghỉ ngơi. Các thành viên khác vẫn miệt mài kiểm tra dấu vết. Trong lúc làm nhiệm vụ, anh Võ An Giang bị bầy ong rừng vây chích vào gáy, cổ. Các thành viên trong đoàn đã áp dụng kinh nghiệm đi rừng bằng việc dùng nước sạch rửa vết cắn… nhưng vẫn không khỏi. Cơ thể anh bắt đầu dị ứng, nổi mẩn đỏ khắp người và khó thở. Vì vậy, đoàn đã ngưng việc tuần tra để đưa anh Giang ra khỏi rừng.

Trên đường trở ra, đoàn được anh Cao Văn Trường cho biết là dọc theo suối khô cạn nước (thuộc khoảnh 6, Tiểu khu 39, Trạm Kiểm lâm Đa Kinde) có một lán trại. Đoàn quyết định đến kiểm tra thì thấy lán trại đang có người ở, vì có nhiều vật dụng cá nhân (võng, áo, quần, đèn pin, sạc điện thoại, nồi nấu cơm) và lương thực, thực phẩm vẫn còn đầy đủ trong lán trại. Biết người dân đang đi thu hái ươi chưa về nên các thành viên trong đoàn chia thành nhiều nhóm mật phục. Sức khỏe của anh Giang lúc này cũng hồi phục nên anh quyết định ở lại sát cánh cùng đồng đội để làm nhiệm vụ.

Vất vả “cuộc chiến” giữ rừng

Đến chiều tối cùng ngày, 8 người đi hái ươi trong rừng lần lượt trở về lán trại. Lúc này, lực lượng kiểm lâm đã ập đến không chế, tịch thu các loại dao mà những người này dùng để đi rừng. Qua làm việc, 8 người dân (6 người ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu; 1 người ngụ xã Thanh Sơn, huyện Định Quán và 1 người ngụ huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) khai nhận là họ đi từ tỉnh Bình Phước qua sông Mã Đà để vào rừng với mục đích thu lượm ươi.

Đến khoảng 21h cùng ngày, lực lượng kiểm lâm đã đưa 8 người dân đến Trạm Kiểm lâm Đa Kinde để cho họ ký cam kết không tái phạm, còn đoàn quay trở ra rừng ngay sau đó. Trời mỗi lúc một khuya, trong khi chặng đường đi đến trung tâm huyện Vĩnh Cửu còn rất xa. Do vậy, chúng tôi quyết định dừng chân ở Trạm Kiểm lâm Phú Lý để nghỉ ngơi qua đêm.

Lực lượng kiểm lâm kiểm tra vị trí trên điện thoại thông minh để tiếp tục lần theo dấu vết của các đối tượng vào rừng. Ảnh: A.Nhơn

Trong bữa cơm tối muộn, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với các kiểm lâm viên diễn ra thân mật, đầm ấm. Các thành viên trong đoàn đều bày tỏ sự cảm động trước tinh thần làm việc rất trách nhiệm của anh Võ An Giang.

Anh Giang chia sẻ, anh cũng từng bị ong chích nhưng chỉ sưng nhẹ. Còn lần này, nhiều ong chích cùng một lúc khiến cơ thể anh dị ứng nổi ban và gây khó thở.

“Lúc đó, tôi muốn đi ra khỏi rừng để kiếm chỗ nghỉ ngơi. Nhưng rồi tôi đã suy nghĩ lại, nếu mình đi thì lực lượng ở lại rất mỏng, trong khi lán trại có ít nhất 8 người. Cho nên, tôi đã quyết định ở lại cùng anh em để giải quyết vụ việc đến nơi đến chốn” - anh Giang bộc bạch.

Chuyến đi rừng lần này cũng đã để lại cho chị Trần Thị Thùy Hương nhiều cảm xúc. Chị Hương cho biết, chị đã đi rừng nhiều lần nhưng chuyến đi lần này đã giúp chị có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Đặc biệt là giúp chị thấu hiểu sự khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm của những người làm nhiệm vụ giữ rừng.

“Trời trưa nắng gay gắt mà các anh đồng nghiệp phải trèo lên những chòi cao chót vót để canh trực phòng, chống cháy. Các anh còn phải ngày đêm băng rừng, lội suối để làm nhiệm vụ tuần tra rừng trong điều kiện môi trường nhiều khó khăn, thiếu thốn, nguy hiểm... Chỉ có tình yêu rừng mãnh liệt đã giúp các anh có thêm nghị lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - chị Hương tâm sự.

An Nhơn

Tin xem nhiều