Là địa phương có quy mô kinh tế lớn, Đồng Nai xác định khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là chìa khóa thành công của địa phương trong tương lai. Thời gian qua, tỉnh đã có những quan tâm, phát triển, đưa ngành KHCN đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng và Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) Phạm Hồng Quất (bìa phải) tham quan một gian hàng tại Chợ công nghệ, thiết bị, thương mại Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Đ.Lê |
Tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới, KHCN và ĐMST sẽ là một trong những trụ cột, động lực kiến tạo, đưa Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai cận kề Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, những địa phương thuộc tốp đầu phát triển của cả nước. Là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp, hiện Đồng Nai đã có hơn 30 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Toàn tỉnh có trên 1,6 ngàn dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 34 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chăn nuôi và sản xuất nông sản. Nhiều trường đại học, cao đẳng chọn Đồng Nai làm nơi xây dựng cơ sở. Những yếu tố trên là tiền đề, tạo điều kiện thuận lợi để KHCN Đồng Nai có điều kiện phát triển.
Xác định được những lợi thế của tỉnh, ngành KHCN đã sớm tập trung triển khai các chương trình phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành KHCN đã có nhiều đột phá về đổi mới cơ chế tuyển chọn, đặt hàng các nhà khoa học trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp bách, nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành này đã góp phần nâng cao chất lượng các nhiệm vụ KHCN khi ứng dụng vào thực tiễn.
Để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, Sở KHCN đã triển khai các chương trình hỗ trợ “Chương trình KHCN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong quá trình hội nhập giai đoạn năm 2016-2020”. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 30/2022/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Sở tập trung hướng dẫn và hỗ trợ đăng ký bảo hộ về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tập trung đẩy mạnh đăng ký xác lập quyền và phát triển tài sản trí tuệ đối với đặc sản địa phương. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1262/QĐ-UBND ngày 4-5-2024 Phê duyệt Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.
Trong công tác quản lý nhà nước về công nghệ, 3 năm qua, sở tiếp nhận và xử lý 41 hồ sơ đăng ký chuyển giao công nghệ của 25 doanh nghiệp, cụ thể là 28 hồ sơ đăng ký mới, 13 hồ sơ đăng ký gia hạn, sửa đổi bổ sung. Các lĩnh vực chuyển giao công nghệ liên quan đến: sản xuất sản phẩm công nghiệp, linh kiện ô tô, xe máy; sản xuất bao bì; thiết bị y tế; điện, điện tử; y tế; thực phẩm…
Ngoài ra, sở tham mưu thẩm định hơn 1,8 ngàn sáng kiến quản lý nhà nước, giáo dục, y tế của cá nhân để công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh, cấp toàn quốc.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thúc đẩy ĐMST, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ... đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Trong năm 2023, Sở KHCN đã hướng dẫn 20 tổ chức, cá nhân thực hiện hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ 4 đơn vị thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và 6 hồ sơ tham gia Chương trình Hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Toàn tỉnh đã có gần 650 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa. Có 8 tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị công nhận sáng chế, giải pháp hữu ích; 1 sáng chế và 6 giải pháp hữu ích khác đã được cấp văn bằng.
Kiến tạo tương lai
Tương lai phát triển của mỗi quốc gia có đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực KHCN. Trong gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, cơ chế và chính sách quản lý hoạt động KHCN cũng luôn được quan tâm đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn số liệu xếp hạng ĐMST của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 6 thế giới, tăng bậc xếp hạng so với năm 2022. Trong 10 năm, thứ hạng của Việt Nam tăng 30 bậc, từ 46 lên 76, và liên tục duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia trung bình thấp. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả khả quan thì việc đầu tư từ Nhà nước, doanh nghiệp còn hạn hẹp, thị trường KHCN phát triển chậm; cơ chế thương mại hóa còn hạn chế... Do đó, cần xây dựng cơ chế phát triển KHCN, đầu tư thích đáng cho hạ tầng khoa học; tăng cường thu hút đầu tư vào KHCN và ĐMST; tập trung phát triển thị trường KHCN…
Đồng Nai được bình chọn là một trong 3 địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2023.
Theo Giám đốc Sở KHCN Lại Thế Thông, Đồng Nai chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung vào các hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN, chú trọng hỗ trợ hoạt động KHCN và ĐMST. Năm 2023, Bộ KHCN đánh giá chỉ số ĐMST Đồng Nai xếp hạng 13/63 tỉnh, thành phố, xếp hạng 4/7 trong vùng Đông Nam Bộ. Đồng Nai phấn đấu vào năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm KHCN lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đạt trình độ tiên tiến của khu vực trên một số lĩnh vực. KHCN và ĐMST thực sự là động lực, tác động vào quá trình phát triển, đưa Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một trong những kết quả khả quan của Đồng Nai thời gian qua là đã thúc đẩy, hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Qua 3 năm triển khai, Techfest DongNai ngày càng được tổ chức đi vào chiều sâu với sự tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương và các làng công nghệ Techfest quốc gia. Techfest DongNai là địa chỉ tham quan, học tập kinh nghiệm tổ chức của nhiều địa phương trong cả nước. Đồng Nai có vị thế quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh đang phát triển với nhiều hoạt động như: kết nối doanh nghiệp, hoạt động truyền thông, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kết nối chuyên gia…
Đào Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin