Đến thời điểm hiện tại, nhiều nơi trên địa bàn Đồng Nai đã xuất hiện những cơn “mưa vàng” giải nhiệt trước cái nắng hạn gay gắt kéo dài của mùa khô năm 2024.
“Mưa vàng” giúp cho nhiều vườn sầu riêng non ở xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) qua cơn khát. Ảnh: Đ.Phú |
Tuy nhiên, theo nhiều nông dân trong tỉnh, những cơn mưa rào bất chợt, ngắn ngủi vẫn chưa thỏa mong ước của nhà nông khi cây trồng vẫn đang cần nước nhiều hơn nữa.
Mưa nhưng cây vẫn “khát”
Trước cái nắng gay gắt của mùa khô năm 2024, nhiều vườn cây ăn trái của nông dân xã Phú An (huyện Tân Phú) thiếu nước tưới dẫn tới khô héo, giảm năng suất. Theo UBND xã Phú An, tổng diện tích cây trồng trên toàn địa bàn hơn 1,7 ngàn hécta, trong đó có khoảng 1,4 ngàn hécta thiếu nước tưới, khoảng 8 hécta cây trồng bị chết, 50% diện tích cây trồng bị ảnh hưởng năng suất.
Mặc dù đón nhận 2 cơn “mưa vàng” liên tiếp trong những ngày đầu tháng 5 (mỗi đợt kéo dài từ 20-30 phút), nông dân xã Phú An vẫn thấy cây trồng chưa thoát khỏi khô khát. Thời tiết hàng ngày vẫn nắng nóng oi bức.
“2 cơn mưa vừa rồi chỉ rào qua rẫy sầu riêng của tôi rồi tạnh. Dù hiếm hoi, ngắn ngủi nhưng nó cũng cung cấp lượng nước cho 3 hécta sầu riêng bằng cả giờ tưới nước. Tuy nhiên, sầu riêng thời điểm này đang rất cần nước tưới để phát triển, nên cần lượng nước nhiều hơn nữa” - nông dân Bảy Hải (ngụ ấp 2, xã Phú An) bày tỏ.
Tương tự, vùng đất ấp 2, xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) vốn khan hiếm nước ngầm, nước suối. Cho nên, với cơn mưa rào hiếm hoi thoáng qua vẫn chưa đủ để nhà nông vơi bớt nỗi lo khô hạn. Theo các nông dân ở đây, cần phải có mưa nhiều hơn nữa thì vườn rẫy mới được tưới mát, mạch nước ngầm giếng khoan không bị hụt nước.
“Mưa rào bất chợt kiểu này, cây đang nóng thì bị bỏng lá, đất hóc mất nước. Còn không có mưa thì cây trồng cũng bị chết héo, rụng trái” - nông dân Ba Nhân (ngụ ấp 2, xã Xuân Hòa) bộc bạch.
Tại xã Phú An (huyện Tân Phú), nhiều vườn cây bị chết, mất năng suất vì nắng hạn. Ảnh: Đ.Phú |
Vùng sầu riêng ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn (thành phố Long Khánh) sau ngày đón nhận cơn mưa lớn kéo dài gần 1 giờ vào đầu tháng 5-2024 thật sự làm nức lòng nhà nông. Nhờ cơn mưa lớn này và các cơn mưa rào nhỏ sau đó làm cho nhà vườn thêm khấp khởi hy vọng mùa mưa sẽ bắt đầu, tình trạng thiếu nước tưới sẽ được giải quyết.
Nét mặt lo lắng của nông dân Tám Thân (ngụ tổ 7, ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn) được giãn ra khi 2 hécta sầu riêng bị thiếu nước tưới giảm năng suất tới 40% được cung cấp thêm lượng nước kịp thời, nếu không thì vụ sầu riêng của ông bị thất thu lớn.
“Chỉ cần trời ban cho ít mưa thì sầu riêng của nhiều nhà vườn được cứu. Một khi cây được bổ sung lượng nước tương đối thì trái sẽ ít bị sượng, ít rụng nhiều so với trước” - nông dân Tư Khánh (ngụ tổ 7, ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn) cho biết.
“Năm nay, tôi khoan thêm một giếng sâu gần 200m mà vẫn không đủ nước cứu 3 hécta sầu riêng” - nông dân BẢY HUỲNH (ngụ Đồi 57, thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) bày tỏ.
Mong mưa nhiều hơn
Mặc dù vườn chôm chôm của gia đình gặp được cơn “mưa vàng” chiều 7-5, cứu được nguồn giếng khoan đã khô cạn, nông dân Bảy Mạnh (ngụ ấp 2, xã Sông Nhạn) vẫn ra vào nhìn về phía thành phố Long Khánh xem trời có nhiều mây đen, có mưa tiếp hay không. Bởi theo kinh nghiệm của ông, mỗi khi hướng thành phố Long Khánh có mây mù, sấm sét, gió giật thì khu vực xã Sông Nhạn của ông sẽ đón cơn mưa như trút nước.
“Nhiều nhà vườn trồng chôm chôm, sầu riêng ở đây trông mưa nặng hạt để cứu cây trồng. Người thì cầu mưa to để vớt vát năng suất, người chỉ mong mưa đến sớm hơn nữa khi phần lớn các giếng khoan bị mất nước từ trong tháng 3-2024” - nông dân Bảy Mạnh bày tỏ.
Nông dân TƯ PHÚC (ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) bày tỏ, nắng hạn năm nay khiến vườn cây trong xã bị thiếu nước. Nhiều nhà vườn phải cắt bỏ bông chôm chôm, sầu riêng để cứu cây. |
Không riêng vườn cây của ông Bảy Mạnh, nhiều vườn chôm chôm, sầu riêng của nông dân trong ấp, xã chỉ đủ lượng nước cứu được vụ bông đầu trong tháng 2-2024, còn vụ bông sau thì bất lực. Một số nông dân vì nguồn nước giếng khoan bị tụt sớm nên “bấm bụng” cắt bỏ bông, trái non để dưỡng cây khỏi kiệt sức chết héo trong hối tiếc.
Cùng tâm trạng đó, nông dân Huỳnh Lê (Đồi 57, thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) nóng lòng chờ mưa hơn là mong sầu riêng chín. Theo ông Huỳnh Lê, do nắng hạn, nước không đủ tưới để bồi bổ cho cây dưỡng trái nên sầu riêng rụng trái non nhiều. Số trái còn bám được trên cây thì còi cọc, chỉ đạt loại 2 hoặc loại 3 là mừng. Với ông, vậy là còn may mắn.
Trước sức ép của nắng hạn, cùng với việc nhiều nơi xuất hiện “mưa vàng” đầu tháng 5 làm giảm bớt khô khát, hạ nhiệt cho vườn tược, mỗi ngày nhà nông đều theo dõi diễn biến dự báo thời tiết về mưa, vì ai cũng mong ngóng những cơn mưa thường xuyên hơn.
Nắng hạn khiến 5 hécta sầu riêng của ông Hai Nhật (ngụ ấp 2, xã Phú An, huyện Tân Phú) giảm năng suất gần 60%. Ảnh: Đ.Phú |
Ông Hai Tú cho biết, trời đang nóng đột ngột đổ mưa thì sầu riêng bị “bỏng” lá, bông. Còn mưa quá nhiều dẫn tới dư thừa nước đột ngột thì sầu riêng cũng bị “sốc” nước dẫn đến sượng, rụng trái.
“Nắng mưa là chuyện của trời. Dù không cầu được mưa nhưng nông dân chúng tôi vẫn có thể cầu mong trong tương lai tỉnh, huyện đầu tư thật nhiều hồ đập chứa nước. Có như vậy, nông dân mới thoát khỏi cảnh phụ thuộc vào sự biến đổi thời tiết thất thường như năm nay” - ông Hai Tú bộc bạch.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin