Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều trường hợp bị bệnh đột quỵ. Các chuyên gia về đột quỵ cho biết, hiện mới có khoảng 30% số bệnh nhân đột quỵ có thể quay trở lại cuộc sống sinh hoạt, công việc bình thường. Còn lại, hoặc là tử vong, hoặc tàn phế.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, chia sẻ mặc dù công tác tuyên truyền đã và đang được các cơ quan báo chí và ngành y tế đẩy mạnh nhưng nhiều người vẫn chưa biết đến bệnh đột quỵ. Do đó, đến khi người nhà có những triệu chứng như: méo mặt, nói đớ, cánh tay bị yếu, liệt, không nhấc lên được thì không biết cách xử lý. Thậm chí, có những người lấy dao lam chích đầu ngón tay bệnh nhân, cạo gió, nặn chanh vào miệng bệnh nhân. Điều này vô cùng nguy hiểm và được khuyến cáo không nên thực hiện.
Để cứu người bị đột quỵ, việc cần làm ngay là nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị bệnh đột quỵ càng sớm càng tốt, tránh đưa đến những cơ sở không điều trị bệnh đột quỵ, lòng vòng tốn thời gian “vàng” của bệnh nhân.
Hậu quả mà bệnh đột quỵ gây ra cho chính người bệnh và người thân của họ rất nặng nề. Vợ của một bệnh nhân từng bị đột quỵ chia sẻ, trước khi chồng chị bị đột quỵ, cha chị đã từng bị đột quỵ và qua đời. So với bệnh ung thư, bệnh đột quỵ nguy hiểm hơn rất nhiều vì ung thư có thể chữa trị, kéo dài sự sống được vài năm hoặc dài hơn tùy vào từng giai đoạn. Còn người bệnh đột quỵ có thể qua đời ngay thời điểm phát hiện bệnh mà không kịp nói gì với người thân.
Không chỉ người lớn tuổi mà hiện nay, nhiều người trẻ tuổi, đang khỏe mạnh bình thường cũng có thể bị đột quỵ, thậm chí tái đột quỵ nhiều lần, lần sau nặng hơn lần trước.
Để phòng ngừa bệnh đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên từ bỏ những thói quen có hại như: hút thuốc lá, uống nhiều bia, rượu, chất kích thích. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, duy trì cân nặng hợp lý, tránh béo phì, có chế độ ăn uống lành mạnh…
An Yên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin