Tổng số tiền mà hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai đang cho vay là trên 5,18 ngàn tỷ đồng, với 124 ngàn khách hàng. Hầu hết số vốn được ủy thác cho 4 tổ chức hội, đoàn thể là thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân để thực hiện cho đoàn viên, hội viên vay.
Ông Trương Anh Tuấn (phải), Trưởng khu phố 9, phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa), Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - vay vốn khu phố 9, thăm một hộ vay vốn chính sách buôn bán nhỏ tại nhà vào chiều 23-5. Ảnh: S.Thao |
Số vốn này được quản lý trực tiếp bởi trên 2,5 ngàn tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) là bí thư chi bộ, trưởng, phó các hội đoàn thể ở cơ sở. Đây được xem là cánh tay nối dài của chương trình tín dụng chính sách ở cơ sở. Đồng thời, là kênh giám sát quá trình cho vay, sử dụng vốn và hoàn trả gốc - lãi cho Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai.
Những cầu nối tín dụng chính sách
Vai trò của tổ trưởng TK-VV thể hiện trong suốt quá trình triển khai vốn chính sách, từ tiếp nhận thông tin người cần vay vốn, khảo sát bước đầu, tư vấn đến hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, tổ trưởng TK-VV còn tham gia vào quá trình bình xét hộ vay cùng chính quyền địa phương, Ngân hàng CSXH giám sát quá trình nhận vốn của người vay với ngân hàng; tiến hành thu gốc - lãi, tiết kiệm hàng tháng của người vay nộp về Ngân hàng CSXH theo ngày giao dịch theo quy định; tư vấn cho người vay sử dụng vốn theo mục đích vay… Nhiều việc là vậy, song tổ trưởng TK-VV không có lương, mà nhận thù lao bằng % số tiền nhận quản lý do Ngân hàng CSXH chi trả.
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, thời gian qua, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở đã giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với vốn chính sách. Đồng thời, lực lượng này đã giúp quá trình cho vay, thu hồi vốn chính sách được giám sát hiệu quả hơn.
Trưởng khu phố 9, phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa) Trương Anh Tuấn đã có gần 4 năm gắn bó với vai trò Tổ trưởng Tổ TK-VV khu phố 9. Ông Tuấn đang quản lý 60 tổ viên với tổng số tiền vay hơn 3 tỷ đồng. Mỗi tháng, ông nhận được hơn 2 triệu đồng thù lao từ quản lý cho vay.
Ông Tuấn cho biết, trong tổ có 9 trường hợp được vay 100 triệu đồng/hồ sơ; 8 gia đình được vay 70 triệu đồng/hồ sơ và 43 trường hợp được vay 50 triệu đồng/hồ sơ. Sở dĩ có sự khác nhau về số tiền vay trước hết là do bà con vay chương trình tín dụng chính sách khác nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do sự thống nhất số tiền đề nghị làm hồ sơ vay sau khi có sự trao đổi, phân tích giữa tổ trưởng tổ TK-VV và người vay về các yếu tố: số vốn cần thiết với ngành nghề dự kiến đầu tư, khả năng thu hồi vốn, khả năng trả gốc - lãi hàng tháng, số vốn gia đình tự có…
Hộ vay Nguyễn Thị Kim Thoa chia sẻ, đây là lần thứ 2 gia đình bà vay vốn chính sách. Lần đầu vay của gia đình là năm 2021, với 50 triệu đồng. Số tiền này được gia đình sử dụng để sắm xe bán nước giải khát. Sau thấy lượng khách tốt, số tiền vay lần đầu đã hoàn trả xong, gia đình làm hồ sơ xin vay tiếp 100 triệu đồng, bởi cần phải bố trí thêm bàn ghế, nguyên liệu ngày một tăng giá, máy ép trái cây, máy xay sinh tố cũng cần loại công suất lớn hơn…
Sau khi nắm được nhu cầu thực tế cũng như kế hoạch sử dụng vốn của gia đình, Tổ trưởng Tổ TK-VV khu phố 9 đã đề xuất Ngân hàng CSXH đồng thuận cho gia đình vay 100 triệu đồng. Nhờ quầy nước giải khát này mà gia đình bà Thoa có thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống.
Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai NGUYỄN SƠN HÙNG nhấn mạnh, vốn vay CSXH mang tính đặc thù, vì là nguồn lực của Nhà nước dành cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các trường hợp vay khác theo quy định. Do vậy, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay, đi đôi với đó là tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm không để xảy ra tình trạng trục lợi tín dụng chính sách, hạn chế phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.
Đồng hành với người vay vốn chính sách
Ông Ngô Duy Phương (ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) cho hay, gia đình ông được vay vốn chính sách để đầu tư trồng cây ăn trái. Trong quá trình đưa vốn vay vào sử dụng, tổ trưởng tổ TK-VV cùng ban ấp đã tìm đến trao đổi với gia đình và tìm cách trợ giúp để tìm hướng phù hợp chăm sóc vườn cây, nuôi thêm bò sinh sản để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương. Từ đó, gia đình ông đã hoàn thành việc trả lãi, nợ gốc cho ngân hàng theo đúng quy định.
Tổ trưởng Tổ TK-VV ấp 3, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) Ngô Thị Hải cho biết, bà đang quản lý 48 hộ vay với trên 1,4 tỷ đồng. Mỗi năm, trong tổ phát sinh vay mới trên 700 triệu đồng. Đây là một trong những tổ TK-VV không phát sinh nợ xấu và nợ quá hạn.
20 năm thực hiện vai trò Tổ trưởng Tổ TK-VV ấp 3, bà Hải xác định trách nhiệm của mình không chỉ dừng lại ở việc người dân nhận vốn vay là xong, mà bà phải dành thời gian theo sát tổ viên trong quá trình sử dụng vốn. Vì vậy, gia đình nào dùng tiền vay để nuôi bò, nuôi dê hay cải tạo vườn cây ăn trái, buôn bán nhỏ tại nhà bà đều nắm rõ.
Còn bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Tổ trưởng Tổ TK-VV khu phố Long Khánh 1 (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa), đang quản lý 60 thành viên với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Trong số những thành viên của tổ, có một số trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo. Người vay vốn sử dụng tiền vay vào đầu tư đa dạng ngành nghề như: buôn bán tạp hóa tại nhà; mở quán giải khát; sửa chữa xe máy, xe đạp…
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, người vay vốn đều có ý thức hoàn thành nghĩa vụ vay của mình với Nhà nước, song trong quá trình buôn bán có lúc kẹt vốn nên sẽ trễ ngày hoàn thành việc đóng gốc - lãi và gửi tiền tiết kiệm. Với những trường hợp này, bà sử dụng số tiền hàng tháng nhận được từ các chức danh ở cơ sở để hỗ trợ người vay trả gốc - lãi đúng hạn và nhận lại sau đó.
Văn Truyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin