Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân Phú bừng sắc nông thôn mới

Đoàn Phú
08:31, 17/05/2024

Những ngày giữa tháng 5-2024, nông dân xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) bắt tay vào gieo trồng vụ mùa mới khi mưa đầu mùa xuất hiện.

Trang trại thanh long của nông dân Bùi Đình Đức (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) đang vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh: Đ.Phú
Trang trại thanh long của nông dân Bùi Đình Đức (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú) đang vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh: Đ.Phú

Theo những người nông dân ở đây, chỉ cần thêm vài cơn mưa lớn nữa, vùng đất Xuân Phú sẽ “khoe dáng” nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu khi ruộng đồng phủ kín màu xanh.

Thảm xanh trên đá

Xã Xuân Phú có 5 ấp: Bình Hòa, Bình Tân, Bình Tiến, Bình Xuân 1 và Bình Xuân 2. Do đặc điểm tự nhiên, phần lớn đất sản xuất trên địa bàn xã là đất đá. Qua quá trình khai hoang, người dân địa phương cải tạo đất trũng thành ruộng, đất cao thành rẫy vườn với những cây trồng chủ lực như: lúa, bắp, hoa màu và cây ăn trái các loại.

Lập nghiệp nơi vùng đất ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú) từ những năm 1980, nông dân Huỳnh Tuấn cho biết, lý do cây ngắn ngày chiếm phần lớn diện tích đất sản xuất trong ấp (gần 1,6 ngàn hécta) là do dưới lớp đất mặt có rất nhiều đá. Để tạo được lớp đất mặt tươi xốp, nhà nông phải tốn nhiều công sức trong quá trình dọn đá, chia ruộng, vườn ra nhiều thửa nhỏ cao, thấp để sản xuất.

“Nhiều nơi trên mặt chỉ có lớp đất thịt mỏng nhưng nông dân trong ấp vẫn phủ được màu xanh cho đất bằng 2 vụ bắp, 1 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa, 1 vụ bắp, hoa màu nhằm tạo ra thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/năm” - ông Huỳnh Tuấn bày tỏ.

Tuyến đường NTM ấp Bình Hòa sau những cơn mưa đầu mùa, những thửa ruộng hai bên đường nhiều nông dân cần mẫn đào xới đất, xuống giống. Nhấp ngụm nước mát để giải cơn khát khi làm đồng, nông dân Nguyễn Văn Túc cho biết, do thời điểm nông dân đang bước vào vụ xuống giống nên cần vài tuần nữa đất mới được phủ những thảm xanh của lúa, bắp, đậu, rau ăn lá, rau ăn củ các loại.

Theo hướng dẫn của nông dân Nguyễn Văn Túc, chúng tôi đi sâu vào tổ 3, ấp Bình Hòa và bất ngờ với vườn thanh long bạt ngàn của ông Bùi Đình Đức và các hộ nông dân khác.

Trang trại thanh long Đức Thông của nông dân Bùi Văn Đức rộng 35 hécta. Khi chúng tôi ghé, trời đang muốn đổ mưa dông, ông Đức tạm dừng công việc hướng dẫn người hái thanh long thuê để tiếp chuyện chúng tôi. Nhiều năm qua, ông dành dụm được tiền để mua đất từ các nông dân sản xuất lân cận với khu đất rộng trên 35 hécta để lập trang trại trồng thanh long xuất khẩu theo ý muốn. Mục đích của ông, không để nông dân chuyển nhượng lại đất cho ông rơi vào cảnh nghèo khó, mà mong muốn giúp họ khá hơn bằng cách mời họ tham gia vào việc sản xuất, trả lương 8 triệu đồng/người/tháng (quản lý 1 ngàn gốc thanh long, khoảng 8 sào) và chia tiền lãi 15% sau mỗi đợt thu hoạch trái. Nhờ vậy, vùng đất chỉ trồng được 1 vụ lúa, 1 bắp/năm của họ, 10 năm nay được phủ màu xanh của thanh long. Tất cả những người chuyển nhượng đất cho ông lẫn người làm công đều có cuộc sống ổn định.

“Để cải tạo được vùng đất đá này trồng thanh long, tôi bỏ ra rất nhiều công sức lẫn tiền của. Mong muốn của tôi là cùng người dân địa phương tìm cách thảm xanh cây trồng trên vùng đất đá này” - ông Bùi Đình Đức bộc bạch.

“Xã Xuân Phú có 23 doanh nghiệp; 6 hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ, 302 hộ kinh doanh cá thể, hàng năm giải quyết việc làm cho trên 2 ngàn lao động của địa phương và góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân” - Chủ tịch UBND xã Xuân Phú HUỲNH TẤN HẬU cho biết.

Sức bật NTM

Xuân Phú là xã thuần nông, thu nhập của phần lớn người dân là từ nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp. Đất đai trên địa bàn xã không thuận lợi cho việc hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái đạt giá trị kinh tế cao như các xã trong huyện như: Xuân Thọ, Suối Cát… Tuy vậy, xã Xuân Phú vẫn nhanh chóng xây dựng thành công các tiêu chí NTM (vào năm 2013), NTM nâng cao (năm 2017), NTM kiểu mẫu (năm 2022) để đời sống nông dân được tăng nhanh.

Xã Xuân Phú có dân số trên 16 ngàn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27,8%, sinh sống tập trung tại các làng, khu định canh - định cư ấp Bình Hòa, ấp Bình Tiến. Hiện tại, trên địa bàn xã không còn hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo. Ngoài hoạt động nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số còn có nguồn thu chính khác từ thương mại - dịch vụ, làm công ty nên mức sống không thua kém hay quá chênh lệch đối với người Kinh.

Chính nhờ tập trung xây dựng NTM, dựa vào NTM để nâng cao đời sống nhân dân và lấy NTM để khơi gợi tinh thần cần cù lao động, biết vượt khó của người dân, cùng với sự tiếp sức từ chính quyền thông qua quan tâm đầu tư về hạ tầng, vốn, kỹ thuật, xã Xuân Phú ngày càng xuất hiện nhiều vùng sản xuất lúa, bắp, rau màu và cây ăn trái tập trung. Năng suất cây trồng của bà con nông dân tại các ấp: Bình Tiến, Bình Hòa, Bình Tân, Bình Xuân 1 và Bình Xuân 2 cũng nâng lên đáng kể.

“Khoa học - kỹ thuật, hệ thống kênh mương thủy lợi, đường giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất… được địa phương quan tâm đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư khu vực khó khăn. Những điều này đã góp phần thúc đẩy giá trị sử dụng đất hàng năm của nông dân các ấp tăng lên gấp nhiều lần. Cụ thể, từ năm 2012 trở về trước, giá trị sử dụng đất chỉ đạt khoảng 100 triệu đồng/hécta/năm, đến nay đạt trên 250 triệu đồng/năm/hécta” - Chủ tịch UBND xã Xuân Phú Huỳnh Tấn Hậu cho biết.

Cũng theo ông Huỳnh Tấn Hậu, tổng kinh phí thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn xã từ năm 2015-2023 hơn 140 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí tỉnh cấp hơn 13,8 tỷ đồng, kinh phí huyện cấp hơn 33,8 tỷ đồng, kinh phí xã hơn 14,9 tỷ đồng… Từ việc xây dựng NTM kiểu mẫu thành công, người dân trên địa bàn xã sáng tạo, vượt khó trong tìm giải pháp tăng năng suất cây trồng, sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, hữu cơ để cung cấp cho các chuỗi siêu thị, xuất khẩu.

Giao thông nông thôn trên địa bàn xã Xuân Phú được đầu tư xây dựng theo hướng kết nối với tuyến quốc lộ và liên tổ, ấp.
Giao thông nông thôn trên địa bàn xã Xuân Phú được đầu tư xây dựng theo hướng kết nối với tuyến quốc lộ và liên tổ, ấp.

 Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phú Lê Viết Anh Hùng cho biết, để đạt được giá trị sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền và hệ thống chính trị xã, ấp rất quyết liệt định hướng, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với đất đai, thời tiết, thị trường nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất sản xuất. Nhất là liên tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện như: nông nghiệp, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho nông dân.

“Nhờ có giải pháp phù hợp để hạn chế những bất lợi, khai thác tối đa lợi thế của hạ tầng, giao thông như: kênh mương nội đồng, hệ thống điện phục vụ sinh hoạt, các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và liên huyện, xã nên kinh tế nông nghiệp phát triển, đời sống nhân dân thêm sung túc, cây trồng thêm phủ xanh theo từng giai đoạn xây dựng thành công NTM của địa phương” - ông Lê Viết Anh Hùng bày tỏ.

                                Đoàn Phú

Tin xem nhiều