TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Trên địa bàn Đồng Nai vừa ghi nhận ca tử vong do bệnh dại. Số ổ dịch bệnh dại trên động vật cũng đang tiếp tục tăng đến mức đáng báo động.
Trả lời phóng viên Báo Đồng Nai, TS-BS TRẦN MINH HÒA, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhấn mạnh cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên 100% bệnh nhân đã lên cơn dại sẽ tử vong. Do vậy, việc phòng bệnh dại cực kỳ quan trọng.
Hơn 40 người bị chó dại cắn, 1 người tử vong
Hiện toàn tỉnh có bao nhiêu địa phương đã ghi nhận có ổ dịch chó dại, thưa ông?
- Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 19 ổ dịch bệnh dại trên chó tại 6 huyện: Long Thành (3 ổ dịch tại các xã Bàu Cạn, Phước Bình và Long An); Vĩnh Cửu (4 ổ dịch tại thị trấn Vĩnh An và các xã Vĩnh Tân, Tân An); Thống Nhất (1 ổ dịch tại xã Lộ 25); Nhơn Trạch (2 ổ dịch tại các xã Phú Thạnh và Phước Khánh); Định Quán (3 ổ dịch tại các xã La Ngà và Túc Trưng); Trảng Bom (6 ổ dịch tại các xã Cây Gáo, Sông Trầu, Đồi 61, Thanh Bình, Bàu Hàm và Quảng Tiến). So với cùng kỳ năm ngoái, tăng 16 ổ dịch, chiếm hơn 20% số ổ dịch chó dại tại khu vực phía Nam. Đây là con số rất đáng báo động.
Từ đầu năm 2024 đến nay, có gần 13 ngàn lượt tiêm vaccine phòng bệnh dại hoặc vừa tiêm vaccine phòng bệnh dại, vừa tiêm huyết thanh kháng dại.
Đặc biệt, trong số những người bị chó dại cắn, đã có một trường hợp tử vong. Đó là người phụ nữ 69 tuổi, ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán.
Vẫn còn nhiều người rất chủ quan, sau khi bị chó, mèo cắn không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Điều này nguy hiểm ra sao?
- Qua điều tra dịch tễ các ổ bệnh dịch chó dại trên địa bàn, chúng tôi thống kê có hơn 40 người đã bị chó dại cắn, nhưng trong số này có hơn 10 người chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại, không đi tiêm huyết thanh kháng dại. Nhiều người cho rằng bị chó cắn, cào vết thương rất nhỏ không nguy hiểm. Nhưng ngược lại, virus dại từ con vật sẽ xâm nhập vào cơ thể người qua các vết cắn, cào khiến người bị nhiễm bệnh lên cơn dại và tử vong.
Thực tế, trường hợp tử vong do bệnh dại mới đây cũng do chủ quan. Gia đình người này nuôi nhốt con chó trong cũi. Quá trình chăm sóc, sửa chữa lồng cũi, cả 2 vợ chồng người này bị chó cắn vào tay nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine, huyết thanh. 3 ngày sau đó, con chó chết, gia đình đã làm thịt chó và chế biến thực phẩm. Hơn một tháng sau khi bị chó cắn, người vợ có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, chán ăn, bần thần, dễ bị kích động. Tiếp đến, bệnh nhân bị rối loạn tri giác, nhiễm trùng, sợ gió, sùi bọt mép, ngưng tim, ngưng thở và tử vong.
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh, các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm tăng tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 ngàn con chó, mèo. Trong đó, mới có khoảng 30% số chó, mèo đã được tiêm vaccine phòng bệnh dại còn hiệu lực. Đây là tỷ lệ rất thấp.
Do thiếu hiểu biết hoặc chủ quan, nhiều người đã làm thịt con chó, mèo bị chết và chế biến thực phẩm để ăn. Việc này có dẫn đến nhiễm virus dại không, thưa ông?
- Bệnh dại là bệnh do virus gây ra, lây truyền chủ yếu qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Theo khuyến cáo của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, việc ăn tiết canh chó dại có thể lây truyền bệnh cho người nếu niêm mạc đường tiêu hóa, bao gồm cả răng, lợi, họng… có vết loét, vết trầy xước. Virus dại bị giết chết trong vài phút ở nhiệt độ trên 600C nên ăn thịt chó đã nấu chín kỹ thì không có nguy cơ bị lây bệnh dại. Tuy nhiên, quá trình làm thịt, chế biến thịt chó dại, nếu trên tay, chân người có vết xước và tiếp xúc với nước bọt, dãi của chó cũng có thể nhiễm bệnh. Do vậy, không nên ăn thịt chó dại đã chết hoặc thịt chó không có nguồn gốc rõ ràng, thịt chó chưa được nấu chín kỹ.
Khẩn trương tiêm vaccine nếu bị chó cắn, cào
Cần làm gì khi bị chó, mèo cắn, cào, thưa ông?
- Ngay sau khi bị chó, mèo cắn, cần rửa vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Tiếp đó, vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% (70 độ) hoặc cồn i-ốt, nếu có. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, chỉ định tiêm vaccine, tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sau khi bị chó cắn. |
Ông có thể cho biết những nơi nào trong tỉnh tiêm vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng dại?
- Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 23 điểm tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; 11 trung tâm y tế của 11 huyện, thành phố; Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh; Phòng khám Đa khoa quốc tế Long Bình (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa); Hệ thống tiêm chủng VNVC; Phòng khám Chuyên khoa nhi First Care (thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc).
Có 6 cơ sở tiêm huyết thanh kháng dại gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện: Tân Phú, Định Quán, Long Thành và thành phố Long Khánh; Trung tâm Tiêm chủng Bệnh viện Quân y 7B.
Thời gian ủ bệnh dại và phát bệnh dại là bao lâu, thưa ông?
- Thông thường, thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên 1-2 năm, cá biệt có những ca sau vài năm mới phát bệnh dại. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể người, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương (như đầu, mặt, cổ) hay đầu các chi thì thời gian ủ bệnh ngắn. Do đó, xử trí vết cắn rất quan trọng để giảm số lượng của virus dại.
Những biểu hiện của bệnh dại ở người là gì?
- Khi phát bệnh dại, có 2 thể bệnh chính. Thể thứ nhất là thể viêm não. Với thể bệnh này, người bệnh khởi đầu có cảm giác dị cảm nơi cắn, mất ngủ, bồn chồn. Sau đó xuất hiện kích thích, sợ nước, sợ gió.
Bệnh tiến triển tăng dần đến mức không thể uống nước; có những cơn co thắt hầu họng khi uống nước, khi thấy gió hoặc thậm chí chỉ nghe thấy tiếng nước chảy, gió thổi.
Ngoài ra, bệnh nhân có tăng tiết nước bọt và không nuốt được nên thường xuyên khạc nhổ, đồng tử giãn, ánh mắt có dấu hiệu bất thường. Sau đó, xuất hiện co thắt hầu họng tự nhiên, cường dương, xuất tinh tự nhiên và thường tử vong trong vòng một tuần kể từ khi phát bệnh.
Thể bệnh thứ 2 là thể liệt, người bệnh sẽ liệt lan dần từ chân đến liệt cơ tròn làm rối loạn tiểu, đại tiện liệt, lan lên liệt tay đến khi lan lên liệt cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.
Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để ngăn dịch bệnh dại lan rộng và hạn chế tối đa số ca tử vong do bệnh dại?
- Qua điều tra dịch tễ tại các ổ dịch chó dại, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ chó, mèo được tiêm vaccine phòng bệnh dại đạt rất thấp. Nhiều ổ dịch chó dại không xác định được nguồn lây nên nguy cơ dịch bệnh âm thầm lây lan trong cộng đồng rất lớn.
Để ngăn dịch bệnh dại lan rộng, trước hết phải đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của dịch bệnh dại, những quy định đối với người nuôi chó, mèo nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi chó, mèo. Từ đó, họ sẽ chủ động thực hiện các biện pháp như: khai báo; nuôi nhốt chó, mèo; rọ mõm cho chó, mèo; tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo. Đặc biệt, khi phát hiện có chó, mèo lạ, có biểu hiện của bệnh dại; sau khi bị chó, mèo cắn, người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.
Để tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo, người dân có thể liên hệ với 11 trạm chăn nuôi thú y tại các huyện, thành phố, các phòng khám thú y tư nhân để được tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo.
Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin