Hơn 2 năm qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó của Công an tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh), việc triển khai thực hiện Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) trên địa bàn Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong đó, nổi bật là các cấp, các ngành đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Người dân ngày càng thấy rõ tiện ích từ Đề án 06. Nổi bật là tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trong nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua Dịch vụ công trực tuyến; sử dụng ứng dụng VNeID để thay giấy tờ cá nhân khi làm thủ tục đi máy bay, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm, đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, xuất trình giấy phép lái xe trên ứng dụng VNeID khi lực lượng chức năng yêu cầu… Qua đó đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng của tỉnh, để ứng dụng từ Đề án 06 vào thực tế được rộng rãi hơn, hiện vẫn còn nhiều việc để làm. Trong đó, tập trung 3 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là đảm bảo hạ tầng số; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã được phê duyệt, để đáp ứng cơ sở hạ tầng, phục vụ kết nối các nguồn dữ liệu phục vụ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Thứ 2 là tăng cường cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo 100% dịch vụ đủ điều kiện thực hiện trên môi trường mạng để cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Thứ 3 là triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân tham gia sử dụng các dịch vụ số, nhất là các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngoài việc hỗ trợ từ các tổ công nghệ cộng đồng thì vai trò của cán bộ, công chức, viên chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các địa phương, đơn vị rất quan trọng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân quen dần với việc thay đổi thói quen trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Muốn vậy phải bố trí cán bộ có trình độ, hiểu biết về công nghệ thông tin để trực tiếp hướng dẫn công dân thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công.
Điều quan trọng, mỗi công dân cần thay đổi nhận thức, thói quen làm việc, cập nhật kiến thức công nghệ thông tin để có thể trở thành những công dân số, biết thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả thành tựu mà chuyển đổi số đem lại.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin