Theo Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Vĩnh Cửu Trần Anh Huy, hiện 27/27 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện đều đã có mô hình Ngôi nhà trí tuệ. Cùng với đó, 3 trường học thuộc sự quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn huyện đã có Ngôi nhà trí tuệ. Mô hình này góp phần quan trọng trong việc xây dựng, lan tỏa văn hóa đọc và hình thành thói quen học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Giáo viên Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (huyện Vĩnh Cửu) đọc sách tại thư viện của Ngôi nhà trí tuệ. |
Với mô hình Ngôi nhà trí tuệ, thư viện được xây dựng theo hướng mở. Ngoài không gian đọc sách trong thư viện, khắp nơi trong khuôn viên trường được trang bị các tủ sách nhỏ. Vì vậy, học sinh, giáo viên rất thuận tiện trong việc tiếp cận, đọc sách.
Ở các trường học vùng sâu, vùng xa như: Trường tiểu học Bàu Cụng (xã Phú Lý), Trường TH-THCS Mã Đà, học sinh còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện đi lại, tiếp cận với công nghệ thông tin còn hạn chế. Do vậy, mô hình Ngôi nhà trí tuệ càng có điều kiện phát huy ưu điểm trong xây dựng văn hóa đọc. Riêng Trường TH-THCS Mã Đà có đến 5 điểm trường, nhà trường sẽ thực hiện luân chuyển sách để học sinh được đọc sách mới.
Ngoài trang bị sách, mô hình Ngôi nhà trí tuệ còn xây dựng và duy trì các câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ tin học. Đáng nói, học sinh được tham gia những hoạt động này hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn có cơ hội học và giao lưu với giáo viên nước ngoài.
Đến nay, huyện Vĩnh Cửu là địa phương duy nhất của Đồng Nai có 100% xã, thị trấn có mô hình Ngôi nhà trí tuệ, tạo sân chơi, sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cho người dân địa phương. Việc “phủ xanh” mô hình Ngôi nhà trí tuệ tại các xã, thị trấn và trường học bước đầu đã cho thấy hiệu quả lan tỏa của văn hóa đọc của mô hình này.
Hải An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin