Thông tin do Sở Lao động, thương binh và xã hội cung cấp tại cuộc giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục việc làm, quản lý lao động và quỹ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm 2020-2023 mới đây cho biết, hiện vẫn chưa có người lao động nào nộp hồ sơ hỗ trợ học nghề phục vụ Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.
Đây là thực trạng rất cần các ngành liên quan có đánh giá và đề xuất giải pháp. Bởi theo dự kiến, khi đi vào hoạt động (từ năm 2026), Sân bay Long Thành cần số lượng lớn lao động, ước tính tới 14 ngàn người. Trong đó, ngoài số lao động có trình độ đại học, nhu cầu phần lớn là lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) trong nhiều cuộc làm việc với tỉnh cam kết sẽ dành chính sách ưu tiên cho lao động tại chỗ. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 2281/QĐ-UBND ngày 4-7-2018 phê duyệt Đề án Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống người dân thuộc Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sân bay Long Thành với kinh phí 305 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân đến nay chưa có người dân nộp hồ sơ học nghề, Sở Lao động, thương binh và xã hội, đơn vị được giao chủ trì thực hiện đề án, cho biết qua điều tra, phát phiếu thu thập thông tin chi tiết cho các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất để triển khai dự án, không có ai đăng ký hỗ trợ đào tạo nghề. Phần lớn người dân đã tự chuyển đổi ngành nghề.
Thời điểm này, Dự án Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm kịp đưa vào sử dụng giai đoạn 1 từ năm 2026. Như vậy, chỉ còn hơn một năm nữa, một lực lượng lao động hùng hậu sẽ có cơ hội làm việc tại dự án cảng hàng không lớn nhất cả nước, tiên tiến, hiện đại, ngang tầm quốc tế. Vì vậy, nếu không nhanh chóng triển khai đề án đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người dân trong diện thu hồi đất phục vụ dự án, rất có thể hàng ngàn lao động tại chỗ sẽ phải đứng ngoài cuộc, nhường cơ hội làm việc ở sân bay cho lao động đến từ những tỉnh, thành khác.
Đồng Nai đang có gần 60 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đào tạo, cung cấp cho xã hội hàng chục ngàn lao động mỗi năm. Hiện đã có một số trường cao đẳng nghề phối hợp, liên kết tốt với các doanh nghiệp trong việc đào tạo những ngành nghề mà Sân bay Long Thành cần. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều cơ sở đào tạo chưa chủ động trong công tác này, đào tạo những ngành nghề chưa phù hợp nên chưa thu hút được người học. Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động về đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện bị thu hồi đất có lúc, có nơi vẫn chưa đến được với người dân. Đây là điều rất cần đơn vị có liên quan rà soát, vào cuộc quyết liệt để đề án sớm đem lại hiệu quả thiết thực nhất.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin