Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước tiến mới của ngành y tế Đồng Nai
Bài 3: Cần thêm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại

Hạnh Dung
07:25, 28/10/2024

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), các cơ sở y tế cần phải có đủ 3 yếu tố: nhân lực có trình độ cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc hiện đại và môi trường làm việc tốt.

Nhân viên y tế thực hiện nội soi dạ dày phát hiện bất thường cho bệnh nhân tại một bệnh viện trong tỉnh.
Nhân viên y tế thực hiện nội soi dạ dày phát hiện bất thường cho bệnh nhân tại một bệnh viện trong tỉnh. Ảnh: Bảo Lộc

Nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đang đề xuất với Sở Y tế để kiến nghị các cấp lãnh đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục mua sắm nhằm đầu tư thêm trang thiết bị máy móc, phục vụ công tác KCB.

Mong muốn có máy ép tim tự động

Tại các bệnh viện trong tỉnh, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa (BVĐK), chuyên khoa hạng I như BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, Nhi đồng Đồng Nai thường xuyên tiếp nhận cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở cả ở ngoại viện và nội viện.

Mới đây, các bác sĩ BVĐK Đồng Nai đã tiếp nhận bệnh nhân T.Đ.N., 70 tuổi, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở ngoại viện 15 phút. Bệnh nhân này có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mức độ nặng đang dùng thuốc.

Bác sĩ Trịnh Thị Thúy Hằng, Khoa Cấp cứu tổng hợp, BVĐK Đồng Nai, cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng đã khẩn trương cấp cứu ngưng tuần hoàn kết hợp với sử dụng máy ép tim tự động. Sau 15 phút cấp cứu, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại.

Bác sĩ Hằng cho hay, máy ép tim tự động này do công ty đặt tại bệnh viện để chạy thử. Sau một thời gian sử dụng cho thấy hiệu quả cao vì có thể thay thế nhân viên y tế làm việc liên tục trong thời gian dài mà không mệt mỏi và cũng không phải thay ra giữa chừng. Máy được cài đặt với tần số đúng nên cho hiệu quả ép tim cao hơn so với ép tim bằng tay. Khi phối hợp với các vấn đề cấp cứu khác thì bệnh nhân có khả năng cao có nhịp tim trở lại sớm, việc theo dõi nhịp tim của bệnh nhân trên máy monitor cũng dễ dàng hơn đối với nhân viên y tế.

Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu tổng hợp BVĐK Đồng Nai Thị Tuyết Nhung chia sẻ: “Khoa đã làm đề xuất lên lãnh đạo bệnh viện với mong muốn sớm được đầu tư máy ép tim tự động. Chúng tôi mong các thủ tục được thực hiện nhanh chóng để sớm có thể mua được máy ép tim tự động đặt tại Khoa Cấp cứu, vừa giúp giải phóng sức lao động cho nhân viên y tế mà hiệu quả cấp cứu lại cao hơn”.

Cần có máy móc để giữ chân bác sĩ

Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, chia sẻ xác định nhân lực là yếu tố then chốt quyết định chất lượng KCB nên những năm qua, trung tâm đã cử nhiều bác sĩ đi học nâng cao trình độ. 2 năm nay, trung tâm đã thực hiện thành công khoảng 100 ca phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng. Thời điểm này, khi đội ngũ bác sĩ được cử đi đào tạo chuyên khoa I đã hoàn thành khóa học trở về, trung tâm triển khai nhiều kỹ thuật khó, kỹ thuật chuyên sâu như phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày. Sắp tới, trung tâm sẽ triển khai phẫu thuật nội soi cắt túi mật. Qua đó, giúp người dân địa phương và lân cận được tiếp cận các kỹ thuật cao ngay ở tuyến cơ sở, không phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.

Theo bác sĩ Tường, để giữ chân bác sĩ, nhất là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao thì ngoài vấn đề thu nhập, môi trường làm việc, các bác sĩ cần được thực hành những gì đã được học. Đặc biệt, đối với các bác sĩ ngoại khoa, nếu đi học về mà không được phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân sẽ bị “lụt nghề”. Với mong muốn bác sĩ đi học về được làm việc ngay, trung tâm đã đề nghị Sở Y tế đầu tư 2 máy phẫu thuật nội soi nhưng đến nay vẫn chưa có. Trung tâm rất mong các cấp lãnh đạo sớm phê duyệt và đầu tư cho trung tâm.

Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG TRUNG nhấn mạnh, để thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, các cơ sở y tế trong tỉnh cần chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đặt hàng các bệnh viện lớn để triển khai các đề tài khoa học bám sát thực tế KCB, ưu tiên các lĩnh vực như: đột biến gen gây ung thư, hệ thống vi sinh vật, nghiên cứu ứng dụng xét nghiệm dược lý hệ gen, ứng dụng mô hình quản lý nghiên cứu phản vệ ở người Việt Nam, hệ thống tư vấn sức khỏe tự động qua Chatbot…

“Số lượng bệnh nhân đến KCB ngày càng đông, công nghệ thông tin thì phát triển nhanh như vũ bão. Nếu không nhanh chóng đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ thì sẽ không theo kịp. Chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn nữa, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để trung tâm sớm có máy móc như mong muốn, phục vụ KCB cho người dân” - bác sĩ Tường nói.

Trong khi đó, lãnh đạo BVĐK khu vực Long Thành cũng đề xuất Sở Y tế sớm hỗ trợ giải quyết các thủ tục để mua máy CT đã bị hư từ lâu, mua máy chụp X-quang vì máy này đã cũ, không đáp ứng được yêu cầu KCB tại đơn vị.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, 10 năm trước đã mua một máy hạ thân nhiệt chỉ huy với mục đích ban đầu để điều trị cho những trẻ sơ sinh sinh non, sinh ngạt. Đến nay, bệnh viện có 3 máy hạ thân nhiệt chỉ huy để điều trị cho cả trẻ sơ sinh và trẻ lớn.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hạ thân nhiệt chỉ huy là giải pháp hữu hiệu nhất để điều trị cho những bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở. Máy có nhiều ưu điểm, triển khai không khó. Bệnh viện đề xuất Sở Y tế mua thêm một số máy hạ thân nhiệt chỉ huy để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người bệnh.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, mặc dù là kỹ thuật cao, cho hiệu quả nhưng hiện nay kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán. Trong khi đó, bộ miếng dán hạ thân nhiệt có giá thành khá cao, nhiều gia đình bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn không thể chi trả nổi. Bệnh viện phải sử dụng các miếng dán này rất tiết kiệm, thậm chí chỉ sử dụng để dán trên một phần cơ thể do chi phí cao.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đang làm chủ đầu tư dự án đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho 20 trạm y tế. Đến nay, Sở Kế hoạch và đầu tư đang thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Về dự án mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho BVĐK khu vực Long Khánh và BVĐK Đồng Nai với kinh phí 98 tỷ đồng đã có chủ trương, nhưng chưa được phân bổ vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện.

Đối với đề xuất mua gấp 2 máy phẫu thuật nội soi của Trung tâm Y tế huyện Cẩm Mỹ, lãnh đạo sở rất quan tâm nhưng hiện vướng cơ chế, phải xin chủ trương đầu tư, phê duyệt… nên mất khoảng 2 năm mới có thể có máy.

Về đề xuất Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả các kỹ thuật cao, Sở Y tế khuyến khích các cơ sở y tế trong tỉnh chủ động tiếp nhận các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao theo đúng quy định. Sau khi thực hiện xong thí điểm, đơn vị báo cáo kết quả, Sở Y tế sẽ họp Hội đồng Chuyên môn để quyết định cho phép triển khai chính thức những kỹ thuật này. Đây là cơ sở pháp lý để các đơn vị triển khai thực hiện và được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả.

Thời gian tới, các đơn vị trong tỉnh cần tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tuyến trên để triển khai có hiệu quả Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh: tim mạch, tiểu đường, phẫu thuật thần kinh, chấn thương chỉnh hình và trong các lĩnh vực: phụ sản, nhi khoa, ung bướu.

Đặc biệt, ngành y tế Đồng Nai mong muốn tiếp tục được hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ từ các tuyến trên như: mổ tim hở, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật vi phẫu, phẫu thuật điều trị ung thư, phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật thần kinh. Ngoài ra còn có các kỹ thuật trong lĩnh vực hồi sức, điều trị ung thư bằng máy gia tốc tuyến tính, thụ tinh trong ống nghiệm, ghép tạng, robot phẫu thuật nội soi, công nghệ tế bào gốc, công nghệ giải trình tự gen, công nghệ sinh học…

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Bán đá gel Fuji ice Máy Thở Cpap 15 Mẫu máy dò kim loại băng tải chính xác 99%