Chỉ gần 3 tháng nữa là hết năm 2024 nên các doanh nghiệp (DN) đang tăng tốc sản xuất để hoàn thành các đơn hàng cuối năm, đồng thời dồn sức sản xuất cho vụ Tết. Đây cũng là thời điểm quan hệ lao động thường xảy ra tình trạng mất ổn định, người lao động (NLĐ) dễ ngừng việc tập thể do không hài lòng với các chế độ mà DN dành cho NLĐ.
Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trong quý III vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngừng việc tập thể với trên 2,2 ngàn lao động tham gia tại 3 DN ở thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành. Nguyên nhân là do NLĐ yêu cầu công ty thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định 74-2024/NĐ-CP ngày
30-6-2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Sau quá trình thương lượng, DN đã giải quyết kiến nghị của NLĐ và NLĐ đã quay trở lại làm việc bình thường.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, thời gian qua, bên cạnh những DN thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách cho NLĐ, vẫn có một số DN cố tình dây dưa, chây ì. Nguyên nhân chủ yếu là do DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên phải cắt giảm nhiều khoản chi phí, nhất là các DN ngành gỗ, dệt may, giày da. Thống kê của các cấp Công đoàn cho thấy, đến giữa tháng 9 vừa qua, toàn tỉnh có hơn 11 ngàn NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm do DN gặp khó khăn buộc phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động.
Bên cạnh những DN gặp khó khăn về đơn hàng thì vẫn có những DN hoạt động tốt, có nhu cầu tuyển dụng cao. Dự báo từ nay đến cuối năm, các DN trên địa bàn tỉnh cần từ 15-18 ngàn lao động, từ trình độ phổ thông đến đại học. Tuy nhiên, số lao động dự tuyển lại chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Đây là nghịch lý rất cần sự vào cuộc của các đơn vị chức năng để cung - cầu gặp nhau, giúp NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định, DN tuyển đủ lao động phục vụ cho yêu cầu sản xuất.
Càng gần đến thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, việc đảm bảo quan hệ lao động hài hòa có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả DN và NLĐ. Do đó, các cấp Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở trong DN, phải kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ; chủ động, khéo léo trong thương lượng với DN để tìm những giải pháp đảm bảo lợi ích, chăm lo tốt nhất cho NLĐ. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng NLĐ bị dụ dỗ, lôi kéo, xúi giục vay mượn “tín dụng đen” hoặc vì không hiểu biết pháp luật mà ngừng việc tập thể, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin