Thượng úy chuyên nghiệp Ngô Công Tấn sinh ra tại xã Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) nhưng lớn lên tại thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc).
Thượng úy chuyên nghiệp Ngô Công Tấn được tuyên dương gương Người tốt, việc tốt của tỉnh năm 2022. Ảnh NVCC |
Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên vừa học hết lớp 10, anh đã phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Đến năm 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian 3 tháng huấn luyện ở đơn vị, anh được điều động về công tác tại Đại đội Thông tin thuộc Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
Được sự quan tâm của thủ trưởng đơn vị, anh đăng ký học bổ túc văn hóa và đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Với nguyện vọng phục vụ lâu dài trong quân đội, anh được đơn vị cử đi đào tạo ngắn hạn các lớp nghiệp vụ về vô tuyến điện. Năm 2003, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước yêu cầu nhiệm vụ, anh được điều về Tổ Đài trung gian chuyển tiếp núi Chứa Chan thuộc Đại đội Thông tin, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với chức vụ Tiểu đội trưởng. Dù ở môi trường công tác với nhiều khó khăn nhưng anh đã làm tốt công tác quản lý, duy trì hoạt động của đơn vị bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời theo mệnh lệnh cấp trên.
Tuy nhiên, điều không may đã đến với anh khi vào tháng 9-2022, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Tổ Thông tin núi Chứa Chan, anh giẫm phải mìn còn sót lại sau chiến tranh. Mặc dù được đơn vị, đồng đội đưa ngay đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng và quãng đường di chuyển từ đỉnh núi Chứa Chan xuống đất liền mất nhiều thời gian (núi Chứa Chan có độ cao khoảng 900m so với mặt nước biển, thời gian di chuyển từ chân núi đến trụ sở đơn vị mất cả ngày) nên khi vào tới bệnh viện, các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt 2/3 bàn chân trái của anh.
Sau khi vết thương bình phục, anh được đơn vị bố trí công việc phù hợp. Hiện nay, anh công tác tại Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy quân sự huyện Xuân Lộc với nhiệm vụ thống kê tổng hợp.
Vết thương tuy đã bình phục nhưng việc đi lại của anh rất khó khăn. Trước phải dùng nạng, nay anh tự chế tạo dép cho mình, không dùng nạng nữa nhưng đôi khi đi lại vẫn bị mất thăng bằng. Mỗi khi thời tiết thay đổi và phải đi lại nhiều, vết thương rất đau. Song với ý chí, nghị lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, anh vẫn lạc quan dù mất đi một phần thân thể vì nhiệm vụ, vì đất nước, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Trong quá trình công tác, thượng úy chuyên nghiệp Ngô Công Tấn liên tục được công nhận “Chiến sĩ tiên tiến” và “Chiến sĩ thi đua”; được tuyên dương gương Người tốt, việc tốt của tỉnh.
Dương An
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin