Năm 2014, Trường phổ thông Thực hành sư phạm (PTTHSP) Đồng Nai được thành lập, trực thuộc Trường đại học Đồng Nai quản lý trực tiếp. Đây là 1 trong 2 mô hình trường phổ thông công lập nằm trong trường đại học trên địa bàn tỉnh và hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính một phần.
Học sinh Trường phổ thông Thực hành sư phạm Đồng Nai vui chơi dưới sân trường. Ảnh: Công Nghĩa |
Tuy nhiên, sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Trường PTTHSP Đồng Nai đang phải vật lộn với bài toán kinh phí khi thu không đủ chi, thậm chí là không đủ tiền trả lương và bảo hiểm cho cán bộ, giáo viên.
Quy mô tăng gấp nhiều lần
Trường PTTHSP Đồng Nai chính thức tổ chức hoạt động dạy và học từ năm học 2015-2016. Ban đầu trường chỉ có 20 cán bộ, giáo viên, 10 lớp (gồm 6 lớp 6 đầu cấp trung học cơ sở và 4 lớp 10 đầu cấp trung học phổ thông). Đến năm học 2019-2020, trường tiếp tục mở rộng tuyển sinh lớp 1 đầu cấp tiểu học và chính thức trở thành trường phổ thông có đủ 3 cấp học là TH-THCS-THPT.
Sau 10 năm, quy mô của Trường PTTHSP Đồng Nai tăng lên gấp nhiều lần ở nhiều mặt. Chẳng hạn, khi mới thành lập trường chỉ có 1 cơ sở, nay đã tăng lên 2. Từ chỗ chỉ có 20 cán bộ, giáo viên nay tăng lên 150 (gấp 7,5 lần), quy mô 10 lớp ban đầu nay tăng lên 80 (gấp 8 lần), từ 450 học sinh nay tăng lên trên 3,2 ngàn em (gấp 7 lần). Nếu so sánh với các trường PTTHSP khác cùng nằm trong trường đại học trên cả nước, Trường PTTHSP Đồng Nai đang thuộc hàng lớn nhất, dù không phải là trường được thành lập sớm nhất.
Hiệu trưởng Trường PTTHSP Đồng Nai ĐẬU THÀNH VINH cho biết, nhà trường mong được Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát, đồng thời có kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Tài chính thấy được khó khăn thực tế của nhà trường. Từ đó có giải pháp tháo gỡ giúp nhà trường có đủ kinh phí hoạt động.
Thế nhưng đằng sau sự phát triển về nhiều mặt của Trường PTTHSP Đồng Nai lại là vô vàn những khó khăn mà nhà trường đang phải xoay trở để hoạt động. Trong đó, nổi cộm nhất vẫn là khó khăn về cơ chế tài chính, khi trường thu không đủ chi, dẫn đến biểu hiện “lạm thu”, khiến phụ huynh bức xúc.
Hiệu trưởng Trường PTTHSP Đồng Nai Đậu Thành Vinh cho biết: “Nhà trường hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính một phần. Nhà trường có 150 cán bộ, giáo viên, 80 lớp với trên 3,2 ngàn học sinh, tuy nhiên từ năm 2019 đến nay, mỗi năm chỉ được ngân sách cấp 3,6 tỷ đồng, như vậy là không đảm bảo để trường hoạt động”.
Vì sao thu không đủ chi?
Với số tiền ngân sách cấp hàng năm được cho là không đủ so với nhu cầu chi thực tế nên mỗi năm, nhà trường chỉ có đủ tiền trả lương cho cán bộ, giáo viên 7 tháng thay vì 12 tháng. Đơn cử, chỉ tính riêng chi lương và bảo hiểm cho 150 cán bộ, giáo viên, mỗi tháng đã cần đến 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, cả năm nhà trường chỉ có nguồn thu từ 3,6 tỷ đồng ngân sách cấp, hơn 2 tỷ đồng thu từ học phí chính quy (bậc tiểu học không thu) và khoảng 5,5 tỷ đồng từ hoạt động bán trú.
Ông Đậu Thành Vinh cho biết thêm, từ ngày 1-7 đến nay lương cơ sở dành cho công chức, viên chức đã tăng thêm 30%, thế nhưng ngân sách vẫn cấp cho nhà trường theo mức trước đây. Lý do được đưa ra là đề án tự chủ tài chính của nhà trường (giai đoạn 2021-2025) đã được phê duyệt nên không thay đổi được. Điều này khiến nhà trường đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Vì thu không đủ chi nên nhà trường gần như không có tiền để đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động khác.
Theo phản ánh của phụ huynh có con học tại Trường PTTHSP Đồng Nai, dù đây là loại hình trường phổ thông công lập như nhiều trường phổ thông công lập khác, thế nhưng nhiều năm học qua Trường PTTHSP Đồng Nai lại đặt ra nhiều khoản thu. Đáng chú ý một số khoản thu của nhà trường không có trong đề án mà Sở Tài chính đã phê duyệt cho giai đoạn 2021-2025, cũng như Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND, ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh về Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin