Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý các đơn vị dây dưa nợ bảo hiểm xã hội ra sao?

Hạnh Dung
07:35, 03/10/2024

Tình trạng doanh nghiệp (DN), đơn vị, trường học chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã diễn ra nhiều năm trên địa bàn Đồng Nai nói riêng, cả nước nói chung.

Bảo hiểm xã hội tỉnh và Công an tỉnh làm việc với đại diện các doanh nghiệp, đơn vị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Bảo hiểm xã hội tỉnh và Công an tỉnh làm việc với đại diện các doanh nghiệp, đơn vị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh:Hồ Tú

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và các vấn đề an sinh xã hội trong tương lai.

Hơn 7,5 ngàn đơn vị nợ số tiền 738 tỷ đồng

Phó giám đốc BHXH tỉnh Phạm Long Sơn cho biết, tính đến cuối tháng 8-2024, toàn tỉnh có hơn 7,5 ngàn đơn vị, DN (trong tổng số hơn 16,7 ngàn đơn vị, DN) nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 738 tỷ đồng.

Trong đó, có hơn 5 ngàn đơn vị chậm đóng dưới 3 tháng với số tiền 283 tỷ đồng của hơn 165,3 ngàn người lao động; hơn 1,4 ngàn đơn vị chậm đóng từ 3 tháng đến dưới 12 tháng số tiền 88 tỷ đồng (của hơn 12,3 ngàn người lao động). Đặc biệt, có đến 980 đơn vị, DN chậm đóng kéo dài trên 12 tháng với số tiền 367 tỷ đồng (của hơn 1,8 ngàn lao động).

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, DN được phép nợ BHXH đến dưới 30 ngày. Nếu chậm nộp BHXH từ 30 ngày trở lên thì sẽ phải nộp đủ số tiền chưa đóng và nộp thêm số tiền lãi cho Quỹ BHXH, đồng thời còn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm đóng các loại tiền bảo hiểm nêu trên là do tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN trên địa bàn tỉnh chưa hết khó khăn. Các DN thuộc các ngành sản xuất chủ lực như: chế biến gỗ, sản xuất điện tử, da giày, may mặc, dệt… đơn hàng giảm mạnh, sản xuất chưa ổn định, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Đáng lưu ý, có những DN không còn khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Cụ thể như Công ty CP Lilama 45-1 (ở xã Long An, huyện Long Thành) chậm đóng hơn 45 tỷ đồng; Công ty CP Lilama 45-4 (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, thành phố Biên Hòa) chậm đóng hơn 20 tỷ đồng; Công ty TNHH Hanul Line Việt Nam (ở thành phố Long Khánh) chậm đóng hơn 41 tỷ đồng; Công ty TNHH KumSung Vina (Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa) chậm đóng hơn 12 tỷ đồng; Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) chậm đóng hơn 19 tỷ đồng…

Bên cạnh những DN gặp khó khăn thực sự, cũng có những DN cố tình chây ì, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Chính vì vậy, trong năm 2024, BHXH tỉnh đã chuyển 3 hồ sơ có dấu hiệu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Quy định mới về xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng

Lãnh đạo BHXH tỉnh cho hay, thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ trì, phối hợp triển khai nhiều giải pháp để đôn đốc, thu hồi nợ từ các đơn vị, DN.

Hàng quý, BHXH tỉnh báo cáo UBND tỉnh về tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các địa phương, sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị cố tình chậm đóng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Ngoài ra, BHXH tỉnh lập kế hoạch thanh tra đột xuất chuyên ngành về nợ BHXH, BHYT, BHTN. Lập kế hoạch cùng tổ liên ngành của tỉnh làm việc trực tiếp với các đơn vị, DN nợ đóng, yêu cầu cam kết phương án trả nợ và xác định các DN, đơn vị không còn hoạt động.

Tính đến nay, BHXH tỉnh đã gửi hơn 9,1 ngàn thông báo chậm đóng cho các đơn vị, DN, thu hồi số tiền gần 130 tỷ đồng; lập biên bản đối với 149 đơn vị, thu hồi hơn 18,4 tỷ đồng; thanh tra đột xuất 54 đơn vị, thu hồi gần 15 tỷ đồng; ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Lao động, thương binh và xã hội thanh tra tại 14 DN, thu hồi hơn 8,6 tỷ đồng.

Phó giám đốc BHXH tỉnh Phạm Long Sơn chia sẻ, trước đây, do chưa có những quy định thật sự rõ ràng nên công tác xử lý hình sự đối với những chủ DN, đơn vị trốn đóng bảo hiểm còn hạn chế. Tuy nhiên, kể từ tháng 7-2025, khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực, những khái niệm về trốn đóng, chậm đóng BHXH được nêu rất chi tiết, cụ thể. Đó sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH.

Luật BHXH năm 2024 cũng có một số chế tài mạnh mẽ như: phạt chậm đóng 0,03%/ngày giống như thuế; hoãn xuất cảnh với những chủ DN nợ BHXH.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị chủ DN, đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, tháng 5-2024, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản kiến nghị dành một nguồn quỹ dự phòng để hỗ trợ cho người lao động bị nợ BHXH. 

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động trước ngày 1-7-2024. Kinh phí được lấy từ nguồn thu xử lý chậm, trốn đóng tại Luật BHXH năm 2014 và số tiền 0,03%/ngày thu theo quy định tại Điều 40, 41 của Luật BHXH năm 2024.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều