Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng đang được Bộ Giáo dục và đào tạo lấy ý kiến có một điểm thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận là việc “siết” chỉ tiêu phương thức xét tuyển sớm chỉ còn 20% trên tổng số chỉ tiêu các trường được duyệt.
Cụ thể, dự thảo nêu: “Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung”.
Quy định này lập tức nhận được 2 luồng ý kiến khác nhau. Một bên ủng hộ vì cho rằng đã đến lúc Bộ Giáo dục và đào tạo cần can thiệp vào quá trình tuyển sinh của các trường đại học nhằm không để xảy ra tình trạng có nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến việc trúng tuyển đại học quá dễ dàng. Hơn nữa, phương thức xét tuyển sớm đã và đang bộc lộ một số vấn đề rất đáng quan tâm, trong đó có tình trạng “làm đẹp” học bạ để trúng tuyển sớm hay khi học sinh biết mình đã trúng tuyển sẽ có tâm lý lơ là trong học tập ở học kỳ 2 của lớp 12. Việc cơ sở giáo dục đại học dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm cũng khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các phương thức xét tuyển còn lại trở nên gay gắt hơn khi điểm trúng tuyển cao chót vót, nhiều học sinh giỏi không vào được ngôi trường mà mình mong muốn.
Trong khi đó, làn sóng lo lắng, không ủng hộ đến từ phía không ít các trường đại học, nhất là hệ thống trường ngoài công lập và các thí sinh. Các trường cho rằng, phương thức xét tuyển sớm giúp nhà trường chủ động trong việc nắm nguồn thí sinh trúng tuyển để từ đó phân chia phương thức xét tuyển phù hợp nhằm tuyển đủ thí sinh. Nếu bị “siết” 20%, các trường sẽ phải xây dựng lại phương án tuyển sinh và có kế hoạch tư vấn, hướng nghiệp mới. Còn không ít học sinh lớp 12 đang băn khoăn vì từ trước đó, các em đã chuẩn bị khá kỹ cho việc sẽ trúng tuyển sớm vào đại học khi xét tuyển bằng học bạ cùng một số chứng chỉ có liên quan. Nếu chỉ tiêu này giảm xuống nghĩa là thí sinh phải tính toán thêm các phương án khác để vào được những trường, ngành mà mình yêu thích.
Dù tuyển sinh bằng phương thức nào thì mục tiêu cuối cùng là phải tạo ra một môi trường tuyển sinh minh bạch, công bằng, đảm bảo cơ hội cho tất cả các thí sinh. Do đó, việc “siết” hay “thả” bất kỳ phương thức xét tuyển nào cũng cần tính toán, cân nhắc thật kỹ để tránh thiệt thòi cho thí sinh.
Nguyễn Phượng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin