Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiêm vaccine để phòng bệnh ung thư cổ tử cung

Hạnh Dung
07:30, 05/12/2024

Hiện nay, có nhiều loại ung thư đe dọa sức khỏe, tính mạng con người nhưng mới chỉ có 2 loại vaccine ngừa ung thư được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ chấp nhận.

Bác sĩ khám, tư vấn tiêm vaccine HPV cho khách hàng tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đồng Nai.
Bác sĩ khám, tư vấn tiêm vaccine HPV cho khách hàng tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Trong đó có vaccine HPV phòng bệnh ung thư cổ tử cung. Vaccine này đang được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu.

Bệnh diễn tiến âm thầm

Cách đây vài tháng, chị C.G. (ngụ xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ mình có khối u nên chị đến Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh để khám. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị G. bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Sau khi được bác sĩ tư vấn, chị G. đã về Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để điều trị.

ThS-BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết trường hợp của bệnh nhân G. rất may mắn là phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên, đây là ca bệnh khá phức tạp. Các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cắt toàn phần tử cung kèm nạo vét hạch chậu hai bên cho bệnh nhân.

Người dân trên địa bàn tỉnh có thể tiêm vaccine HPV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đồng Nai - 2, Trung tâm Tiêm chủng VNVC và một số cơ sở tiêm chủng khác.

Theo bác sĩ Hoan, trước đây, những trường hợp như chị G. phải mổ hở, dẫn đến vết mổ dài, mất thẩm mỹ, mất nhiều máu, nguy cơ nhiễm trùng cao, thời gian hồi phục kéo dài. Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật mổ nội soi, giúp bệnh nhân giải quyết được những hạn chế khi mổ hở. Sau hơn một tuần được phẫu thuật, chăm sóc, sức khỏe của chị G. đã hồi phục, có thể ăn uống, đi lại và được xuất viện.

Không may mắn như chị G., chị T.M. (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) phát hiện bị ung thư cổ tử cung khi bệnh đã ở giai đoạn 3. Điều đáng buồn là chị M. còn khá trẻ, mới lập gia đình được vài tháng.

Chị M. cho biết, chị không hay đi khám sức khỏe vì thấy cơ thể không có dấu hiệu bất thường. Đến khi thấy chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, chảy máu âm đạo, tưởng bị bệnh phụ khoa, sợ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản nên chị M. đến bệnh viện thăm khám.

“Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, tôi không tin vào mắt mình. Tôi còn chưa kịp có con, chưa kịp làm những gì mình muốn. Hơn một năm qua, chồng luôn động viên tôi, nhất là những khi tôi vào đợt xạ trị. Đến nay, tóc tôi đã rụng hết do dùng thuốc, cơ thể xanh xao, không ăn uống được nhiều” - chị M. tâm sự.

Phòng hơn chữa

Ung thư cổ tử cung là một trong 3 loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Căn bệnh diễn tiến âm thầm khiến không ít phụ nữ chủ quan và bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm. Có những trường hợp khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn, điều trị rất khó khăn và hiệu quả không cao.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có hơn 500 ngàn phụ nữ được phát hiện mắc mới ung thư cổ tử cung, 250 ngàn trường hợp tử vong. Riêng tại Việt Nam, hàng năm có hơn 4 ngàn ca mắc bệnh mới và hơn 2 ngàn ca tử vong. Các chuyên gia dự báo, số bệnh nhân ung thư cổ tử cung sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những năm tới.

Bác sĩ Hoan khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, cách tốt nhất là tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung (vaccine HPV). Ngoài ra, phụ nữ nên duy trì thói quen vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong kỳ kinh nguyệt và sau khi quan hệ. Chị em khám phụ khoa định kỳ và thăm khám bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng bất thường như: chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân; tiết dịch âm đạo nhiều và có màu sắc bất thường, có mùi hôi; rối loạn chu kỳ kinh nguyệt…

Ngoài ra, phụ nữ cần tránh quan hệ tình dục khi còn ở tuổi vị thành niên, vì lứa tuổi này cơ quan sinh dục chưa phát triển toàn diện. Cần sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm virus HPV nếu có.

Bác sĩ Nguyễn Như Thái, Phụ trách Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho hay hiện có 2 loại vaccine HPV là Gardasil 4 và Gardasil 9. Trong đó, Gardasil 4 giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư, loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV tuýp 6, 11, 16, 18. Loại vaccine này được chỉ định tiêm chủng cho bé gái và nữ giới từ 9-26 tuổi, bất kể đã có gia đình, quan hệ tình dục hay chưa. Còn vaccine Gardasil 9 giúp phòng ngừa 9 tuýp virus HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) gây các bệnh nguy hiểm như: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục… Đặc biệt, đây là loại vaccine đầu tiên phòng HPV dành cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi.

Chị N.H. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho biết, vợ chồng chị vừa đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm vaccine HPV loại 9 chủng. “Mỗi liều vaccine có giá hơn 2,8 triệu đồng. Nếu tiêm đủ 3 liều cho 2 người hết hơn 17 triệu đồng. Mặc dù giá cao nhưng phòng bệnh hơn chữa bệnh, tiêm để an tâm” - chị H. nói.

Không riêng vợ chồng chị H. mà thời gian gần đây, có nhiều người dân đi tiêm vaccine ngừa ung thư cổ tử cung nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều