Cách đây khoảng 16 năm, thấy khu vực đất đỏ bazan ở tổ 9, ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn (thành phố Long Khánh) trồng cây gì cũng xanh tốt nhưng đời sống của nhà nông vẫn chưa có nhiều thay đổi, nông dân Lâm Chính Lộc (người dân tộc Hoa) đã mạnh dạn chuyển đổi 4 hécta vườn tạp sang sầu riêng Thái Lan, Ri 6, Monthong.
Nông dân Lâm Chính Lộc (ngụ ấp Đồi Rìu, xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) chăm sóc sầu riêng trong vườn nhà. Ảnh: Đ.Phú |
Đến nay, ông đã thành công và trở thành tỷ phú của vùng đất đỏ bazan ở Đồi Rìu.
Tư duy bứt phá
Là con trai út trong gia đình có tới 10 anh chị em, sau khi lập gia đình với bà Tình Cỏng Cú (ngụ cùng địa phương), ông Lâm Chính Lộc vẫn gánh nặng chăm lo cho cha mẹ già.
Những năm 2000, nông dân vùng đất đỏ bazan ở Đồi Rìu vẫn quen với kiểu kiến thiết nhiều cây trồng trong vườn (canh tác đa canh) như: điều, cà phê, tiêu, bơ, mít, chuối… để phòng khi cây trồng này mất mùa, mất giá thì có cây trồng khác “cứu cánh”.
Cũng cách làm, suy nghĩ như nhiều nông dân dân tộc Hoa trong tổ, ấp, sau thời gian dài sản xuất theo tập quán, nông dân Lâm Chính Lộc đã rút ra được kinh nghiệm, vườn rẫy trồng nhiều cây ăn trái thì đúng là không sợ đói, có nguồn thu nhập ổn định nhưng muốn bứt phá làm giàu, giảm bớt công sức lao động thì vườn rẫy phải trồng một loại cây đặc trưng, tập trung chăm sóc, đầu tư, thu hoạch.
“Nếu vợ chồng tôi không hạ quyết tâm chuyển đổi sang trồng sầu riêng vì tiếc cây tạp trong vườn đang xanh tốt, vẫn cho thu nhập ổn định thì giờ không có tên trong danh sách tỷ phú sầu riêng của ấp, xã, thành phố Long Khánh” - ông LÂM CHÍNH LỘC vui vẻ bày tỏ. |
Nghĩ là làm, năm 2008, vợ chồng ông Lộc đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ 2,5 hécta đất đang trồng điều, cà phê, tiêu của cha mẹ giao cho vợ chồng ông quản lý để trồng sầu riêng. Nhưng trồng sầu riêng giống gì cho đạt năng suất, phù hợp với thổ nhưỡng, thị trường, kinh nghiệm thì ông cần tham khảo thêm ý kiến của các nông dân trong và ngoài xã.
Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi ngay chính những nông dân có kinh nghiệm trồng sầu riêng và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã, thị xã Long Khánh (nay là thành phố Long Khánh) tổ chức, vợ chồng ông quyết định chỉ trồng 2 giống sầu riêng đặc trưng Ri 6 và Monthong để xem vận may của mình.
3-4 năm đầu sầu riêng chưa có nguồn thu, vợ chồng ông Lộc nhẫn nại trồng trọt kết hợp với chăn nuôi dê trên 1,5 hécta đất chưa cải tạo để đợi thành quả.
“Hàng ngày, đi thăm vườn rẫy, thấy cây sầu riêng đâm cành, tỏa bóng mà ưng cái bụng. Thời điểm đó, vẫn còn rất ít hộ dân trong ấp, xã trồng sầu riêng, nói gì đồng bào dân tộc Hoa, nên vợ chồng tôi cũng có chút sợ thất bại, bị cười chê” - bà Tình Cỏng Cún bày tỏ.
Năm 2012, cây sầu riêng, nhất là sầu riêng Ri 6, Monthong từng bước được nông dân ấp Đồi Rìu và nhiều nơi khác đầu tư mạnh về diện tích lẫn quy mô sản xuất thì sang năm 2013, vườn sầu riêng 2,5 hécta của vợ chồng ông Lộc đã cho trái bói. Với số tiền thu về gần 150 triệu đồng từ sầu riêng vào năm đó, vợ chồng ông Lộc được nhiều người biết đến không phải nhà có dư tiền, mà là người Hoa trồng sầu riêng Ri 6, Monthong thành công nơi vùng đất bazan tổ 9, ấp Đồi Rìu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàng Gòn NGUYỄN THỊ THU TRANG cho biết, phong trào chuyển đổi vườn tạp sang sầu riêng với các giống như: Ri 6, Monthong nếu thiếu sự nhạy bén, quyết tâm cao của từng nhà nông thì dù hội, chính quyền có quan tâm về vốn, kỹ thuật, hạ tầng tối đa cũng không đủ lực giúp nông dân làm giàu từ sầu riêng được.
Tỷ phú sầu riêng
Năm 2014, xã Hàng Gòn đạt chuẩn nông thôn mới, vùng đất tổ 9 và ấp Đồi Rìu nhanh chóng chuyển mình theo sự phát triển nông thôn mới của địa phương và lúc này 2,5 hécta sầu riêng Ri 6, Monthong của vợ chồng ông Lộc đã bắt đầu cho thu nhập đạt gần 2 tỷ đồng/năm. Do đó, vợ chồng ông không chút chần chừ chuyển đổi toàn bộ 1,5 hécta đất còn lại sang trồng sầu riêng giống Monthong để không bị lạc hậu với phong trào chuyển vườn tạp sang trồng sầu riêng giống mới của nông dân ấp Đồi Rìu.
Đầu tháng 12-2024 vẫn còn mưa nhưng việc này không còn làm cho vợ chồng ông Lộc lo lắng sẽ ảnh hưởng đến 4 hécta sầu riêng như trước. Ông Lộc tâm sự, trước kia ít kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng nên cuối năm xuất hiện những cơn mưa vào thời điểm sầu riêng ra hoa hay làm ông bất an. Nay “nắng mưa là chuyện của trời”, ông không lo lắng nhiều như trước nữa vì đã nắm bắt được kinh nghiệm, kỹ thuật xử lý.
Cán bộ Hội Nông dân xã Hàng Gòn (thành phố Long Khánh) thăm vườn sầu riêng 2,5 hécta của nông dân Lâm Chính Lộc (bìa trái). |
“Đợt ra hoa nào không dưỡng được trái thì tôi xả bỏ, không giữ làm gì. Kinh nghiệm của tôi là chọn thời điểm ra hoa phù hợp với vùng đất, thời tiết ở Đồi Rìu thường là vào cuối tháng Chạp. Như vậy, năng suất sẽ đạt cao và chất lượng trái cũng thơm ngon và không bị sượng nên bán được giá” - ông Lộc cho biết.
Nhờ sự quyết tâm và dám nghĩ dám làm, năm 2014, ông Lộc được địa phương bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã và sau đó là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố, tỉnh với thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm từ 4 hécta sầu riêng.
“Với giá sầu riêng ổn định như hiện tại thì 2-3 năm nữa, 4 hécta sầu riêng của vợ chồng tôi thu nhập phải đạt gấp đôi so với bây giờ” - bà Cú cho biết.
Ấp Đồi Rìu có khoảng 470 hộ dân, gồm đồng bào dân tộc Hoa và người Kinh sinh sống xen kẽ nhau tại các vườn rẫy. Trước kia, ấp Đồi Rìu được xem là địa bàn nghèo, khó khăn nhất xã Hàng Gòn. Nhờ sự quan tâm đầu tư của thành phố Long Khánh, tỉnh và chính quyền địa phương về đường, điện, vốn, khoa học kỹ thuật trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là sự nhạy bén, bắt nhịp kịp xu thế của nhà nông nên vùng đất Đồi Rìu giờ bạt ngàn cây sầu riêng, với trên 200 hécta và có 450/470 hộ khá, giàu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàng Gòn Nguyễn Thị Thu Trang bày tỏ, nhờ nông dân vùng đất này đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng đúng hướng nên có năng suất và thu nhập cao hơn, đa phần các hộ dân đều khá giả hơn trước.
“Sầu riêng ra đọt tầm 3-4 tháng/lần, giai đoạn ra đọt hay bị trùng với giai đoạn xả nhụy và đậu trái non. Do đó, trong giai đoạn xả nhụy, nếu không chủ động xử lý chặn đọt hoặc kéo đọt sầu riêng thì tỷ lệ rụng hoa, rụng trái non rất cao, do đọt non cạnh tranh dinh dưỡng với hoa và trái non dẫn đến tình trạng rụng hoa, rụng trái non, làm giảm năng suất sầu riêng” - ông LÂM CHÍNH LỘC chia sẻ kinh nghiệm.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin