BS CKI Mạc Quốc Dũng, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, so với cách đây 2 tuần, số bệnh nhi đến khám và nhập viện để điều trị các bệnh đường tiêu hóa đã giảm, từ 70-100 ca xuống còn khoảng 40 ca mỗi ngày.
Trẻ em không nên ăn quá nhiều thức ăn nhanh có nhiều dầu mỡ để hạn chế bệnh đường tiêu hóa. Ảnh: A.Yên |
Các bệnh nhi chủ yếu mắc bệnh viêm ruột, nhiễm khuẩn ruột do virus. Trẻ nhập viện điều trị thường có các biểu hiện như: sốt cao, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Trong đó có một số ca nặng phải cấp cứu hồi sức tích cực do hạ đường huyết gây tím tái co giật, mất nước nặng, tụt huyết áp, sốc không mạch.
Ngoài ra, có một số trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày, ói chu kỳ, viêm tụy cấp. Trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa thường kéo dài khoảng 5-7 ngày, nặng nhất là vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5, với tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng.
BS Dũng khuyến cáo, trẻ bị bệnh tiêu hóa thường nôn nói và tiêu chảy nhiều, nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp rất dễ bị mất nước nghiêm trọng, dẫn đến tụt huyết áp, hạ đường huyết, sốc, không mạch.
Do vậy, khi trẻ bị tiêu chảy hoặc nôn ói nhiều, cần phải bù nước cho trẻ bằng cách cho trẻ uống các chất điện giải, bù trong cháo, thức ăn. Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm khó tiêu, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chất xơ dễ gây ói và khó hấp thu. Nếu thấy tình trạng trẻ nôn tất cả mọi thứ, sốt cao, mệt lả, hoặc kèm những dấu hiệu nguy hiểm như: co giật, hôn mê, bỏ bú, bỏ ăn thì bắt buộc phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Để phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không nên cho trẻ ăn thức ăn đã để qua ngày. Đồng thời, vệ sinh môi trường sạch sẽ, hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay sát khuẩn để tránh các tác nhân gây bệnh.
An Yên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin