Khó khăn lớn ở hầu hết các bệnh viện tuyến huyện hiện nay là thiếu trầm trọng bác sĩ. Cũng từ đó, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến huyện phải gồng gánh nhiều việc và khó có thể triển khai các kỹ thuật mới.
Khó khăn lớn ở hầu hết các bệnh viện tuyến huyện hiện nay là thiếu trầm trọng bác sĩ. Cũng từ đó, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến huyện phải gồng gánh nhiều việc và khó có thể triển khai các kỹ thuật mới.
Tại Bệnh viện đa khoa Dầu Giây (huyện Thống Nhất), chỉ sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động với cơ sở mới khang trang, hiện đại, số lượng bệnh nhân đến điều trị nội và ngoại trú đều tăng. Dù vui với việc bà con tin tưởng, nhưng lãnh đạo bệnh viện vẫn đang lo vì thiếu bác sĩ.
* Thiếu trầm trọng bác sĩ
Bác sĩ Đỗ Minh Nguyện, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Dầu Giây cho biết: “Bệnh viện vừa mới thu hút thêm được 1 bác sĩ về công tác và ký hợp đồng với 1 bác sĩ khám bệnh ngoài giờ, nâng tổng số bác sĩ trong toàn bệnh viện lên 17 người. Thế nhưng hiện tại bệnh viện vẫn còn thiếu khoảng 5-7 bác sĩ. Về lâu dài, bệnh viện còn thiếu khoảng 12 bác sĩ”.
Điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền tại Bệnh viện đa khoa Tân Phú. |
Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ cũng nằm trong tình trạng thiếu bác sĩ. Tính cả các bác sĩ làm công tác quản lý, đến nay bệnh viện này cũng chỉ có 15 người, còn thiếu 25 bác sĩ! Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú hiện mới có 17 bác sĩ, thiếu ít nhất 15 bác sĩ mới có thể triển khai đầy đủ các khoa, phòng. Còn Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom cũng chỉ có 16 bác sĩ, mới đáp ứng 50% nhu cầu.
* Khó triển khai kỹ thuật mới
Hiện các bệnh viện tuyến huyện đều thu hút một lượng lớn bệnh nhân. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ, trung bình mỗi ngày khám trên 400 lượt người. Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom trung bình có 600-700 bệnh nhân, ngày cao điểm lên tới 800-900 bệnh nhân. Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú có hơn 300 bệnh nhân tới khám và hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày.
Khối lượng công việc nhiều nên bác sĩ ở hầu hết các bệnh viện huyện đang phải làm việc trong tình trạng quá tải. Cụ thể, tại Bệnh viện đa khoa Dầu Giây, bác sĩ khám bệnh liên tục và sau khi ra trực phải ở lại làm thêm buổi sáng. Mới đây, bệnh viện này đã chính thức ngưng hoạt động Phòng khám đa khoa Kiệm Tân để tập trung bác sĩ cho bệnh viện.
Tương tự, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú cho biết: “Bệnh viện phải liên tục thực hiện phương án điều chuyển bác sĩ từ khoa này sang khoa khác, khoa ít bệnh san sẻ cho khoa nhiều bệnh. Bác sĩ ở đây phải gồng gánh nhiều việc và làm việc quá trưa mới được nghỉ…”.
Dù hoạt động trong điều kiện thiếu nhân lực nhưng các bệnh viện vẫn cố gắng đảm bảo chất lượng điều trị. Tuy nhiên, các bệnh viện khó có thể triển khai các kỹ thuật mới. Bác sĩ Đỗ Minh Nguyện cho hay: “Bệnh viện muốn thành lập, chia tách một số khoa, phòng, thực hiện thêm các kỹ thuật mới… nhưng rất khó triển khai vào thời điểm còn thiếu bác sĩ như hiện nay”. Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang cũng phân trần: “Bệnh viện đã ấp ủ các kỹ thuật phẫu thuật nội soi từ lâu nhưng phải chờ thêm một thời gian nữa, khi cơ bản ổn định nguồn nhân lực mới có thể triển khai”.
* Đâu là lời giải cho bài toán khó?
Để giải bài toán “khát” bác sĩ, ngoài áp dụng chế độ trợ cấp, thu hút nguồn nhân lực của UBND tỉnh, các bệnh viện đã chủ động xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện của đơn vị mình.
Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện. |
Cụ thể như Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú đã đảm bảo mức lương 5 triệu đồng/tháng cho một bác sĩ trẻ về công tác. Bệnh viện đa khoa Dầu Giây thì tham mưu UBND huyện tạo mọi điều kiện về nhà ở, công ăn việc làm cho vợ (chồng) bác sĩ khi bệnh viện thu hút bác sĩ về làm việc. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom, mỗi bác sĩ thu hút về sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa I là 60 triệu đồng, thạc sĩ là 65 triệu đồng. Riêng tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Mỹ, bác sĩ chuyên khoa cấp I về công tác được hỗ trợ 90 triệu đồng.
Dù đã có sự chủ động phần nào nhưng bài toán thu hút nguồn nhân lực vẫn còn nan giải đối với các bệnh viện tuyến huyện khi mà hiện nay các bác sĩ muốn được công tác tại những bệnh viện lớn để có nhiều điều kiện tiếp xúc, nâng cao tay nghề, cơ hội học tập... so với làm việc ở bệnh viện tuyến huyện.
Bích Hường