Đồng Nai là tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh) có số ca mắc lẫn số ca tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) cao. Chính vì thế, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã về Đồng Nai kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh
Đồng Nai là tỉnh đứng thứ 2 trong cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh) có số ca mắc lẫn số ca tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM) cao. Chính vì thế, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã về Đồng Nai kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh. Không chỉ nắm tình hình qua báo cáo, Bộ trưởng còn trực tiếp đi thăm một số gia đình có con em bị bệnh TCM, đồng thời kiểm tra thực tế công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện và trường học. Nhân dịp này, Bộ trưởng đã dành cho phóng viên Báo Đồng Nai một cuộc trao đổi ngắn.
* Bộ trưởng có thể cho biết, vì sao năm nay, dịch bệnh TCM lại có những diễn biến bất thường, tăng đột biến về số ca mắc và tử vong?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện đã có 52/64 tỉnh thành trong cả nước xuất hiện dịch bệnh TCM với hơn 32 ngàn ca mắc và 81 ca tử vong. Nếu trước đây, bệnh TCM ở nước ta đều do virus EV71 phân nhóm C1, C4 và C5 gây ra, chủng virus này thường không gây biến chứng. Nhưng năm nay đã xuất hiện chủng virus mới, đó là EV71 thuộc phân nhóm B2 với độc tính cao hơn, có thể gây viêm màng não rất nặng, khả năng tử vong nhanh (thường chỉ sau 3 ngày mắc bệnh). Mặc khác, bệnh chưa có thuốc phòng ngừa lẫn thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác phòng ngừa và điều trị gặp nhiều khó khăn.
* Giám sát tình hình dịch bệnh tại Đồng Nai, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch?
- Tôi được biết, năm 2010, Đồng Nai chỉ có hơn 400 ca mắc và không có ca nào tử vong do TCM. Thế nhưng năm nay, số ca mắc lại tăng gần gấp 10 lần và có đến 16 ca tử vong. Để phòng chống dịch, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp; tổ chức truyền thông, giám sát dịch bệnh, tích cực điều trị đồng thời tăng ngân sách cho công tác phòng chống và dập dịch… Điều này cho thấy Đồng Nai rất quan tâm đến dịch bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp triển khai thực hiện của Đồng Nai vẫn ở bề rộng mà chưa đi vào bề sâu. Cụ thể, Đồng Nai vẫn chưa phân loại được có bao nhiêu ca TCM điều trị ở bệnh viện nhi tuyến tỉnh, bao nhiêu ca điều trị ở bệnh viện nhi tuyến trên và trong số những ca tử vong, có bao nhiêu ca ở trường mầm non, bao nhiêu ca ở nhà hay ở các nhóm trẻ gia đình; khu vực có trẻ chết vì TCM là khu vực nào, môi trường, dân cư ở đó ra sao… Đồng Nai cũng chưa làm tốt bản đồ dịch tễ để khoanh vùng; chậm triển khai công tác dập dịch khi dịch mới xuất hiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Trường mầm non An Bình. |
* Vậy thưa Bộ trưởng, Đồng Nai cần làm gì để công tác dập dịch và phòng chống bệnh TCM hiệu quả nhất?
- Bệnh TCM năm nay tuy gây biến chứng nguy hiểm, nhưng biện pháp phòng ngừa cũng không phải quá khó. Đồng Nai hiện tập trung nhiều cho công tác tẩy độc khử trùng, tuyên truyền về các biện pháp nhận biết bệnh TCM, khuyến cáo người dân đưa con đến bệnh viện sớm khi có dấu hiệu của bệnh… Điều đó là cần thiết, nhưng quan trọng là phải tập trung nhiều hơn, sâu hơn cho công tác truyền thông mà cụ thể là hướng dẫn người dân cách phòng bệnh thiết thực. Một trong những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh TCM hữu hiệu nhất là rửa tay sạch. Bởi nguồn lây của bệnh là tay - miệng nên cần tăng cường tuyên truyền đến những người giữ trẻ, cha mẹ, cô giáo, người chế biến thực phẩm cho trẻ việc cần thiết phải rửa tay bằng xà bông trước khi chế biến thực phẩm, sau khi đi vệ sinh; rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày, giữ vệ sinh môi trường và rửa sạch đồ chơi cho trẻ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, tuyệt đối không cho trẻ mút tay. Nên tổ chức tập huấn cho cán bộ khu phố, thôn, ấp để họ nhắc nhở người dân và họ sẽ là người đầu tiên phát hiện ca mắc trên địa bàn mình, qua đó, ngành chức năng sẽ biết được những điểm nóng mà có biện pháp khoanh vùng. Tôi đảm bảo, nếu làm tốt công tác hướng dẫn người dân rửa tay sạch, rửa tay đúng quy trình, chắc chắn dịch bệnh sẽ hạ “cơn sốt”.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng.