Báo Đồng Nai điện tử
En

Chị và em tôi là nạn nhân

11:08, 08/08/2011

Gia đình tôi nổi tiếng nhất trong khu cư xá! Đơn giản vì gia đình tôi không bình thường như những gia đình khác. Ba tôi là một cựu chiến binh, khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1971 đã bị sơ nhiễm chất độc dioxin do đóng quân và sinh hoạt tại nơi mà trước đây quân đội Mỹ nhiều lần rải chất độc dioxin.

Gia đình tôi nổi tiếng nhất trong khu cư xá! Đơn giản vì gia đình tôi không bình thường như những gia đình khác. Ba tôi là một cựu chiến binh, khi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1971 đã bị sơ nhiễm chất độc dioxin do đóng quân và sinh hoạt tại nơi mà trước đây quân đội Mỹ nhiều lần rải chất độc dioxin. Năm 1973, ba kết hôn với mẹ và sinh được 3 người con gái. Chị và em tôi đều bị bại não, tim bẩm sinh. Ngoài ra, còn có 4 lần mẹ bị sẩy thai.

Sau khi bị sơ nhiễm chất độc dioxin, ba bị suy nhược thần kinh, đau đầu liên tục, ít ngủ, sức khỏe giảm sút buộc phải nghỉ hưu sớm. Mẹ cũng phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc các con. Kinh tế cả gia đình đều trông cậy vào lương hưu của ba và khoản trợ cấp cho 2 chị em nên gặp không ít khó khăn.

Điều đáng mừng khi tôi là một người bình thường dù thân hình trông có vẻ hơi nhỏ bé. Bản thân tôi tốt nghiệp đại học ngành kế toán.

Khi còn nhỏ, tôi đã từng mặc cảm về gia đình mình. Tôi thường đặt câu hỏi: “Tại sao lại như thế? Tại sao chị em mình lại không bình thường như người khác?”. Tôi ghét người ta nhìn tôi với ánh mắt lạ lẫm và thương hại. Nhưng theo thời gian tôi hiểu ra rằng, chúng tôi là nạn nhân của chiến tranh. Thay vì mặc cảm về bản thân thì mình phải càng cố gắng hơn nữa để có thể được dành nhiều tình thương hơn, để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chiến tranh cũng đã đi qua, mọi nỗi đau rồi cũng chôn vùi vào dĩ vãng nhưng thật sự nỗi đau da cam liệu có thể kết thúc dễ dàng khi mà hệ quả của nó còn di truyền cho nhiều thế hệ sau của những nạn nhân bị nhiễm chất độc dioxin?

Cùng với sự giúp đỡ của xã hội, của các cơ quan, các mạnh thường quân mà những nạn nhân đã cảm thấy nỗi đau như được xoa dịu phần nào, nhưng các tập đoàn hóa chất của Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm vì những hành vi sai trái của mình, họ vì lợi nhuận khổng lồ trong chiến tranh mà không quan tâm những vấn đề nhân đạo khi tạo ra thứ hóa chất tàn phá sức khỏe con người. Hơn nữa, họ phải thể hiện trách nhiệm đó bằng những hành động thiết thực như: hỗ trợ tẩy độc môi trường, xây dựng những cơ sở nuôi dưỡng những nạn nhân dị tật để họ có nơi ăn, chốn ở; để những nạn nhân da cam được quan tâm chăm sóc tốt hơn trong tương lai.

Tôi biết rằng cuộc đấu tranh vì nạn nhân da cam sẽ là một cuộc chiến đấu kéo dài vì công lý, nhưng bạn có biết rằng mỗi ngày qua đi thì càng có nhiều người ra đi vì những di chứng của chất độc da cam, càng có nhiều những người không bình thường không ai chăm sóc. Tôi tự hỏi, những nhà tài phiệt ở các tập đoàn hóa chất của Mỹ ngày ấy chắc hẳn họ cũng là những người cha, người mẹ, người ông, người bà, nhìn con cháu của mình lớn lên, khỏe mạnh từng ngày liệu họ có biết rằng có rất nhiều đứa trẻ dị tật, thiếu sự quan tâm chăm sóc vì những lỗi lầm của họ trong quá khứ? Tôi biết rằng còn nhiều lắm những cảnh đời bất hạnh và khốn đốn vì chất độc da cam, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ. Ai cũng có thể phạm những lỗi lầm trong đời, nhưng liệu họ có biết khắc phục để làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, văn minh hơn, đó mới là điều cốt lõi...

Hoàng Thị Lê Hà

(P. Tân Phong, TP.Biên Hòa)

 

Tin xem nhiều