Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) ở Đồng Nai vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên từng ngày. Khi về làm việc tại Đồng Nai vào cuối tuần qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận định, đó là do tỉnh kiểm soát đường lây bệnh chưa hiệu quả.
Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) ở Đồng Nai vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên từng ngày. Khi về làm việc tại Đồng Nai vào cuối tuần qua, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận định, đó là do tỉnh kiểm soát đường lây bệnh chưa hiệu quả.
Chăm sóc một bệnh nhi bị tay chân miệng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: U.UYÊN |
Cụ thể hơn, TS.Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cho hay, so với các tỉnh, thành phía Nam, tình hình dịch bệnh TCM ở Đồng Nai tăng nhanh và tăng khá cao.
* Tầm soát rộng, nhưng chưa sâu
TS. Ngọc Hữu cho biết, nếu năm 2010, Đồng Nai có 412 ca và không có ca nào tử vong, thì tính đến giữa tháng 8-2011, toàn tỉnh có gần 3.700 ca mắc bệnh - cao gần 10 lần so với năm ngoái và đã có 16 ca tử vong. Trong số này, nam giới chiếm 57% và 98% số ca tử vong là dưới 5 tuổi. Trong số 49 mẫu máu xét nghiệm, có 75% mẫu dương tính với virus EV71. “Công tác phòng chống dịch sẽ hiệu quả hơn nếu Đồng Nai kịp thời khoanh vùng những “điểm nóng” có trẻ tử vong dương tính với EV71, phân loại để biết trẻ ấy ở trường mầm non, nhóm trẻ gia đình hay ở trong những gia đình đơn lẻ, môi trường ở những khu vực có trẻ tử vong như thế nào, thậm chí phải điều tra dịch tễ để tìm mối liên hệ giữa các ca mắc bệnh. Ngành lập bản đồ dịch tễ, nếu thấy đường biểu thị số ca mắc, tử vong cứ đi lên thì biết các giải pháp đang thực hiện là không hiệu quả” - TS.Ngọc Hữu cho biết.
Thực tế, khi dịch bệnh gia tăng quá nhanh, các cơ quan quản lý của tỉnh cũng lúng túng trong việc triển khai các giải pháp dập dịch. Giải pháp gần như tập trung và ồ ạt nhất vẫn là tẩy độc khử trùng trên diện rộng bằng cloramin B cho các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình… Việc phun thuốc dập dịch tầm soát bề rộng là đúng nhưng chưa đủ. Việc cấp phát cloramin B xuống các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi là hướng đi đúng, song lại thiếu giám sát việc người dân có thực hiện hay không.
* Đâu là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu?
Chỉ từ tháng 6 đến nay, UBND tỉnh cũng như Sở Y tế đã có cả chục văn bản liên quan đến công tác phòng ngừa và dập dịch, cùng hàng chục cuộc họp các cấp, các ngành liên quan để phối hợp thực hiện, thế nhưng dịch vẫn cứ tiếp tục tăng cao. Mức độ tăng đột biến từ tháng 6 vẫn duy trì sang tháng 7 và 8. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh thành khác lúng túng trong việc xác định TCM là “dịch” hay “bệnh”, đến khi TCM bùng phát quá nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm, lúc đó mới tích cực vào cuộc thì việc phòng ngừa không còn hiệu quả cao.
Trong quá trình triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, Đồng Nai tập trung cho công tác phun hóa chất dập dịch mà chưa đẩy mạnh tuyên truyền (cả trực tiếp lẫn gián tiếp). Trong khi đó, lẽ ra truyền thông cần phải chủ động, tích cực và phải đi trước công tác phòng bệnh.
Hiện ngành y tế đang nghiên cứu vì sao năm nay dịch tăng cao đột ngột. Có phải do chu kỳ 2- 4 năm bùng phát một lần hay là do nguyên nhân nào khác để can thiệp kịp thời. Đồng thời, phải tăng cường công tác giám sát, truyền thông và phun thuốc dập dịch nhằm đối phó với dịch bệnh và quyết tâm chặn đứng dịch trước khi bước vào năm học mới.
Uyên Uyên