Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Cửu là một trong những địa bàn phải hứng chịu chất độc da cam/dioxin nặng nề. Bên cạnh đó, Vĩnh Cửu có nhiều xã nằm giáp ranh với sân bay Biên Hòa - một trong những “điểm nóng dioxin” của cả nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Cửu là một trong những địa bàn phải hứng chịu chất độc da cam/dioxin nặng nề. Bên cạnh đó, Vĩnh Cửu có nhiều xã nằm giáp ranh với sân bay Biên Hòa - một trong những “điểm nóng dioxin” của cả nước.
Qua điều tra, trên địa bàn huyện có 308 hộ với 371 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Hiện 172 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin được công nhận và hưởng chế độ. Trong đó, 66 nạn nhân là người tham gia kháng chiến, 52 nạn nhân là con của người tham gia kháng chiến và 54 nạn nhân là dân thường.
* Những mảnh đời mang di chứng da cam
Ở xã Hiếu Liêm, nói đến gia đình ông Trương Quang Ngãi thì hầu như ai cũng biết. Ông Ngãi nhập ngũ vào năm 1972, tham gia chiến đấu trên chiến trường Nam Lào và Đà Nẵng. Sau khi phục viên, ông về sống ở xã Hiếu Liêm. Vào năm 2005, ông Ngãi và đứa con trai phát bệnh, người nổi đầy u cục. Con gái ông là Trương Thị Thanh Nga khi đang học lớp 12 Trường THPT Trị An cũng phát bệnh, hai chân ngày càng teo tóp lại, rồi liệt hẳn. Bất hạnh chưa dừng lại ở đó, vợ ông - người mà cả gia đình trông cậy, nương nhờ lại gặp tai nạn thương tâm, chấn thương cột sống, bại liệt hoàn toàn. Gánh nặng gia đình giờ đây lại đổ dồn lên tấm thân gầy guộc, bệnh tật của ông Ngãi.
Quà tặng cho nạn nhân chất độc da cam ở Vĩnh Cửu. Ảnh: L.Minh |
Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Nỉ ở xã Vĩnh Tân có 2 con trai đều mang bệnh. Khi sinh ra, cả 2 anh em Lý Minh Luân và Lý Hải Triều cũng bình thường như bao trẻ khác: bụ bẫm, khỏe mạnh trong tuổi chơi, tuổi học. Nhưng đến khoảng 10- 12 tuổi, thì có biểu hiện yếu dần 2 chân, sau đó thì tay chân teo tóp lại và bị liệt hẳn.
Đó là hai gia đình trong số những gia đình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
* Nhịp cầu nối với nạn nhân
Được thành lập vào tháng 8-2008, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Vĩnh Cửu đã vận động các cá nhân, tập thể đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin trên địa bàn hòa nhập cộng đồng. Ngoài việc điều tra, lập hồ sơ đề nghị công nhận cho các nạn nhân, Hội còn phối hợp vận động và tổ chức các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ thiết thực.
Từ các nguồn vận động tại chỗ, cộng với sự hỗ trợ của tỉnh, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân…, Hội đã giúp đỡ, tặng quà cho nạn nhân với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đó là hỗ trợ xây tặng 11 căn nhà tình thương; giúp đỡ về giống, vốn để chăn nuôi, buôn bán nhỏ; khám chữa bệnh miễn phí; thăm hỏi, tặng quà động viên nhân những dịp lễ, tết…
Như hoàn cảnh của gia đình ông Trương Quang Ngãi, chính quyền và Hội đã vận động xây tặng căn nhà tình thương vào năm 2008 với kinh phí 32 triệu đồng. Gia đình chị Nguyễn Thị Nỉ thì được xét thụ hưởng chương trình “Vượt khó cùng ANCO”. Đến nay, đàn heo nhà chị Nỉ đã đẻ được 5 lứa. Ngay lứa đầu tiên, chị đã có thu nhập để lát nền căn nhà. Và em Lý Hải Triều đã có được nền gạch sạch sẽ, không còn chịu cảnh lăn lóc trên nền đất ẩm thấp trước đây.
Ông Nguyễn Thành Thuật, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện cho rằng: “Hội sẽ chủ động nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời với Huyện ủy, UBND huyện và phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể của huyện để thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra một cách hiệu quả nhất, tất cả vì nạn nhân da cam”.
Lê Minh