Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 3: Góp phần xoa dịu nỗi đau

10:08, 07/08/2011

Ra đời từ đầu năm 2007, trong suốt 4 năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã nỗ lực chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho những nạn nhân.

 

Ra đời từ đầu năm 2007, trong suốt 4 năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh đã nỗ lực chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho những nạn nhân.

Những hoạt động này không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau, mà còn là cầu nối đưa các nạn nhân hòa nhập cộng đồng, chắp cánh cho bao khao khát, ước mơ của những mảnh đời bất hạnh. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Võ Minh Quang cho biết, mục tiêu chính của các cấp Hội là cố gắng chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân, trên cơ sở đó,  Hội đã xây dựng được 6 chương trình hoạt động cơ bản, như: tạo nguồn quỹ, xây dựng và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ con giống, học nghề, trao học bổng, chữa bệnh và nuôi dưỡng suốt đời đối với nạn nhân da cam...

* Sát cánh bên những mảnh đời bất hạnh

Em Đỗ Văn Trọng, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở huyện Cẩm Mỹ kể, cách đây 2 năm gia đình em gặp phải biến cố lớn: cha mẹ, rồi bà ngoại lần lượt qua đời trong vòng có một tháng. Chỉ còn 3 anh em (trong đó Đỗ Thị Hường bị thiểu năng, gần 30 tuổi mà cao chưa đến 1m) sống lặng lẽ trong gian nhà nhỏ với 3 chiếc bàn thờ lập lòe nhang khói. Ban đêm, 3 anh em kéo nhau ra… chuồng heo ngủ vì sợ. Biết chuyện, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện lập tức cử người phối hợp với UBND xã Xuân Tây thay phiên nhau đến chăm sóc, thậm chí ngủ lại nhà cho các em không phải sợ.

Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho con em nạn nhân da cam.      Ảnh: H. LAM
Trao học bổng Tiếp sức đến trường cho con em nạn nhân da cam. Ảnh: H. LAM

 Sau đó ít lâu, không chỉ vận động Trung tâm chăm sóc khách hàng Viễn thông Đồng Nai nhận nuôi dưỡng các em hàng tháng, Tỉnh hội còn vận động Công ty Anco xây cho 3 anh em một ngôi nhà tình thương khang trang, lại tặng thêm 4 con heo kèm 10 bao cám để mấy anh em làm vốn chăn nuôi. Cậu em út Đỗ Văn Long thì được Trường cao đẳng nghề số 8 đón về nuôi ăn học. Chăm chỉ nuôi bầy heo đến lúc xuất chuồng, Trọng có được số vốn ban đầu và chuyển sang nuôi cá cho nhẹ nhàng, phù hợp sức khỏe. Đến nay, cuộc sống của 3 anh em đã tương đối ổn định. Quan trọng hơn, 3 anh em Trọng, Hường, Khoa đã không còn cảm thấy bơ vơ nữa.

Trường hợp của gia đình anh Nguyễn Ngọc Tâm ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) cũng vậy. Bản thân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nên sức khỏe kém, lại phải lo cho 2 người con trong đó có 1 người bị dị tật nên gia đình anh quanh năm khó khăn, nằm trong diện hộ nghèo của xã. Được chương trình Vượt khó của Tỉnh hội đầu tư cho 4 con heo giống và thức ăn chăn nuôi từ năm 2009, anh tích cực chăm sóc và đến nay đã xuất chuồng được 3 lứa heo. Hiện gia đình vẫn còn đàn heo nái 3 con và 14 con heo thịt chờ xuất. Đầu năm 2011, anh Tâm đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã...

 * Đồng hành trên các nẻo đường

Theo ông Võ Minh Quang, từ tháng 5-2007 đến nay đã có 1.675 tổ chức và 528 cá nhân tham gia ủng hộ cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Trong đó, có những tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ thường xuyên, như: Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Anco (gần 2 tỷ đồng), Công ty cổ phần kinh doanh golf Long Thành, ông Phạm Hữu Tính, nhà giáo ưu tú Đỗ Hữu Tài… và có cả tổ chức nước ngoài như Hội Người Việt Nam ở Bỉ. Với nguồn đóng góp này, Hội đã xem xét cụ thể để có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho các nạn nhân.

Gia đình ông Đinh Viết Hương (huyện Thống Nhất) vui mừng nhận heo giống hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.
Gia đình ông Đinh Viết Hương (huyện Thống Nhất) vui mừng nhận heo giống hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh.

 Với những nạn nhân quá khó khăn về nhà ở mà không có khả năng, Hội đầu tư xây dựng mới (từ 25-30 triệu đồng/căn) hoặc sửa chữa lại nhà. Nhiều gia đình đã nhận được sự giúp đỡ quý giá này, như: Nguyễn Thị Kim Chung (huyện Tân Phú), Nguyễn Hữu Hào (huyện Định Quán), Nguyễn Văn Bảy (huyện Cẩm Mỹ). Đã có 93 căn nhà được xây mới, 18 căn được sửa chữa với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. 172 nạn nhân bị tàn tật nặng, không có khả năng lao động cũng đã được 29 đơn vị, cá nhân nhận nuôi dưỡng thường xuyên với mức bình quân 200 ngàn đồng/người/tháng. Chương trình chữa bệnh thì ngoài việc phối hợp tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, còn vận động đưa được 2 em Phạm Thanh Bình (TX. Long Khánh) và Nguyễn Duy Tân (huyện Xuân Lộc) bị dị tật vẹo cột sống đi phẫu thuật chỉnh hình ở TP. Hồ Chí Minh, nay cả 2 em đều khỏe mạnh, tự sinh hoạt cá nhân được.

Đặc biệt hơn, với những nạn nhân còn khả năng tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, Hội xem xét giúp đỡ “cần câu”. Trong đó, phổ biến nhất hiện nay là hỗ trợ con giống như heo, bò và thức ăn ban đầu để họ tự chăn nuôi tăng thu nhập và khắc phục khó khăn. Đến nay đã có 78 gia đình được nhận 308 con giống (trị giá 950 triệu đồng), ngoài ra, một số hộ khác cũng được hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh. Khảo sát trong 2 năm 2009 và 2010 cho thấy, khoảng gần 50% hộ chăn nuôi có hiệu quả.

Một trong những chương trình mà các cấp Hội đều tâm đắc, đó là tạo điều kiện cho nạn nhân hoặc con em được học tập, khắc phục được tâm lý tự ti, mặc cảm đối với xã hội. Đến nay, đã có 486 lượt em được cấp học bổng “Tiếp sức đến trường”, nhiều em còn được các trường: Đại học Lạc Hồng, Cao đẳng nghề số 8, Trung cấp nghề Long Thành - Nhơn Trạch, Trung tâm dạy nghề Định Quán… nhận đào tạo nghề để các em có thể hòa nhập cuộc sống.

 

Công đoàn Hải quan Đồng Nai đã đến thăm, tặng quà cho 20 gia đình nạn nhân ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (trị giá 500 ngàn đồng/phần).

Trường đại học Lạc Hồng vừa nhận trợ cấp thường xuyên cho 10 gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở huyện Cẩm Mỹ và 10 gia đình ở huyện Định Quán.

Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam dành tặng 5 suất học bổng cho trẻ em là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán). Mỗi suất học bổng trị giá 500 ngàn đồng.

Công Nghĩa

 

Hà Lam

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều