Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Đồng hành với những mảnh đời bất hạnh

11:08, 08/08/2011

4 năm nay, kể từ khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai ra đời, ngày càng có nhiều hơn sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đối với những mảnh đời bất hạnh.

4 năm nay, kể từ khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai ra đời, ngày càng có nhiều hơn sự cảm thông, chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đối với những mảnh đời bất hạnh.

Khoảng trên 30% nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh được chăm sóc, hỗ trợ kịp thời trong thời gian qua.

>>> Bài 1: Những nỗi đau mang tên dioxin…

>>> Bài 2: Vượt lên số phận

>>> Bài 3: Góp phần xoa dịu nỗi đau

  * Trao “cần câu” hiệu quả

Đồng hành với Hội ngay từ khi mới thành lập là tấm lòng của Ban giám đốc, cán bộ, nhân viên của Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Anco. Cô Nguyễn Thị Thanh Dung, Giám đốc đối ngoại của công ty cho biết, trong hoạt động từ thiện - xã hội, công ty đã chọn đối tượng là những nạn nhân da cam/dioxin bởi nỗi đau của họ đang phải gánh chịu là rất lớn, dai đẳng, để lại những hậu quả nặng nề về thể xác lẫn tinh thần. Tập thể cán bộ, nhân viên của công ty muốn được chia sẻ phần nào. Hàng năm, công ty đều thành lập quỹ hỗ trợ và mỗi năm mỗi tăng, như năm 2011 kinh phí hỗ trợ là 750 triệu đồng, tăng 50% so với năm trước.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (phải) tham gia buổi tặng heo cho gia đình nạn nhân nuôi. Ảnh: T. Thúy Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (phải) tham gia buổi tặng heo cho gia đình nạn nhân nuôi. Ảnh: T. Thúy
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh (phải) tham gia buổi tặng heo cho gia đình nạn nhân nuôi. Ảnh: T. Thúy

 Cũng theo cô Dung, cách hỗ trợ của công ty không phải là đem đến “con cá”, mà là cung cấp “cần câu” và kỹ thuật để đối tượng có thể tự lực vươn lên. Chương trình “Vượt khó cùng Anco” đã được thực hiện đúng nghĩa của tên gọi. Khi các cấp Hội giới thiệu đối tượng cần hỗ trợ, công ty cử nhân viên xuống tận nhà khảo sát về hoàn cảnh, điều kiện của đối tượng để có hướng giúp đỡ phù hợp. Nếu đối tượng có thể chăn nuôi được, công ty sẽ tặng 4 con heo giống cùng 32 bao thức ăn (trị giá khoảng 15 triệu đồng). Trong thời gian chăn nuôi, công ty thường xuyên cử nhân viên kỹ thuật xuống để hướng dẫn, khảo sát hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ tận tình, chu đáo ấy, hầu hết các đối tượng được hỗ trợ đều chăn nuôi đạt hiệu quả. Như hộ ông Đinh Viết Hương (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), từ sự hỗ trợ ban đầu của Công ty Anco, đã nuôi đàn heo ngày càng phát triển.

Không chỉ thế, Công ty Anco còn luôn quan tâm tạo điều kiện về việc làm cho gia đình các nạn nhân. Mới đây, công ty nhận Hoàng Thị Lê Hà (phường Tân Phong, TP. Biên Hòa) vào làm việc với mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/tháng sau khi Hà tốt nghiệp Trường đại học Lạc Hồng. Từ mô hình hiệu quả của Công ty Anco, hiện một số đơn vị cũng đang hướng sự giúp đỡ đến các nạn nhân theo phương thức trên, như: hỗ trợ bò giống, hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh ban đầu…

 * Cho em được làm người

Một trong những chương trình đồng hành quan trọng và hiệu quả đối với các nạn nhân da cam/dioxin là giúp đỡ cho những người có khả năng hòa nhập cộng đồng bằng cách tạo nghề nghiệp ổn định. Trường cao đẳng nghề số 8 (Bộ Quốc phòng) là đơn vị tiên phong của chương trình này. Hiện nhà trường đang nuôi dưỡng và dạy nghề cho 8 em là nạn nhân da cam/dioxin.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bản, Phó phòng công tác chính trị của trường cho biết, việc đón các em về nuôi dưỡng là chuyện nhỏ, nhưng làm sao chăm sóc, động viên tinh thần và dạy nghề cho các em mới là vấn đề cam go. Bởi, phần lớn các em nếu không bị ảnh hưởng về não bộ thì tay chân cũng bị co rút, sinh hoạt cá nhân rất bất tiện. Nhưng xác định đây là đối tượng chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, đã giúp các em thì phải giúp đến cùng, nên trước khi đón các em về trường, các giáo viên đã thuyết phục, vận động các học viên trong lớp thay phiên nhau chăm sóc, giúp đỡ trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày cho các đối tượng này. Một số em khác cũng đang được hỗ trợ học nghề tại các đơn vị khác, như: Trường trung cấp nghề Long Thành - Nhơn Trạch, Trung tâm dạy nghề Định Quán, Trường trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật số 2.

“Trong thời gian tới, nhiệm vụ của các cấp Hội chúng tôi là tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người trong xã hội hiểu, cảm thông, từ đó có sự sẻ chia, đồng cảm và giúp sức nhiều hơn nữa, phần nào xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân da cam/dioxin” - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Võ Minh Quang cho biết.

Điều khiến bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tâm đắc, là chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên các nạn nhân đã ngày càng được nhiều thành phần trong xã hội quan tâm, hưởng ứng. Ngoài các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận hỗ trợ, nuôi dưỡng các nạn nhân suốt đời, như: Quỹ đầu tư phát triển, Trung tâm sát hạch lái xe, Sở Y tế, còn có những cá nhân lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ, như anh Ngô Quang Minh (Trung tâm dạy nghề Bách Khoa) đã tài trợ cho Đinh Thị Hoàng Loan (TP. Biên Hòa) xuất bản tập thơ; bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ) nhận nuôi dưỡng 5 cháu; bà Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư) cũng nuôi 5 cháu. Cả những tiểu thương như bà Lan, bà Bích, bà Hoa, bà Thành cũng dành những đồng tiền một nắng hai sương của mình để nhận nuôi 5 cháu. Những tấm lòng nhân ái đang ngày càng lan rộng, đồng hành với từng số phận của các nạn nhân da cam/dioxin.

Thanh Thúy

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều