Giảm nghèo bền vững cho nông dân là một chương trình mục tiêu có ý nghĩa lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm quan tâm hơn nữa tới một bộ phận nông dân còn khó khăn, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Giảm nghèo bền vững cho nông dân là một chương trình mục tiêu có ý nghĩa lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm quan tâm hơn nữa tới một bộ phận nông dân còn khó khăn, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Để nông dân thoát nghèo bền vững, ông Phan Trọng Hữu, Trưởng văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh nhận định, nông dân rất cần được chỉ tận tay cách thức làm ăn phù hợp để thoát nghèo. Điều này đã được kiểm chứng ở cơ sở, qua những mô hình cụ thể.
* Từ những mô hình cụ thể
Năm 2001, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thành vào lập nghiệp ở xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc) với muôn vàn khó khăn. Ông Thành được chính quyền địa phương giới thiệu cho vay vốn nuôi gà, nhưng do kinh nghiệm không có nên hiệu quả không cao. Một lần nữa, Hội Nông dân xã lại giới thiệu cho ông đi đến những trại gà lớn, tham dự các lớp tập huấn để học hỏi kinh nghiệm nuôi gà thả vườn. Được tiếp thu một số kiến thức căn bản, ông Thành tiếp tục đi vay vốn nuôi gà và đã nuôi thành công. Ông Thành cho hay, muốn nuôi gà có lãi thì kiến thức và kinh nghiệm là quan trọng. Giờ đây ông Thành đã mua được thêm 4 hécta đất để trồng điều, đồng thời lấy bóng mát che cho chuồng gà phía dưới. Ông Thành có đàn gà thả vườn thường xuyên duy trì ở mức 1.500 con các loại.
Ông Hà Xuân Lý, ấp 5, xã Sông Trầu thu hoạch nấm trong trại của gia đình. Ảnh: C.NGHĨA |
Gia đình ông Nguyễn Thành Thái ở xã Phú Cường (huyện Định Quán) được UBND xã khảo sát đưa vào diện hộ nghèo từ cuối năm 2004, được cho vay 2,5 triệu đồng để mua một con heo nái. Lứa đầu tiên, ông có được 12 con heo con, bán đi lấy vốn đầu tư vào chuồng trại. Thấy đây là cách để có thể thoát nghèo nên không dừng lại ở đó, ông Thái đã tham gia lớp bồi dưỡng tại địa phương để có kiến thức phòng và chữa bệnh cho heo. Ông cho biết, bình quân mỗi năm xuất chuồng khoảng 70 con heo thịt. Ngoài thu nhập từ nuôi heo, gia đình ông Thái còn có thu nhập khoảng 60 triệu đồng từ vườn chôm chôm và tiền làm thêm của vợ. “Đến nay, gia đình tôi đã mua được ti vi, tủ lạnh, máy giặt và xe máy. Con gái lớn đã tốt nghiệp cao đẳng, có việc làm ổn định, người con thứ hai đang tiếp tục học cao đẳng và một người con út đang học lớp 11” - ông Thái cho biết thêm.
Bên cạnh mô hình chăn nuôi giúp nông dân thoát nghèo bền vững như trường hợp gia đình ông Thành, ông Thái, nhiều nông dân đã thoát nghèo nhờ nghề trồng trọt, như mô hình trồng rau xanh của gia đình ông Lê Văn Thạnh ở xã Bảo Quang (TX.Long Khánh) nhờ được vay số vốn 10 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội TX.Long Khánh với sự hỗ trợ kỹ thuật của Hội Nông dân. Hay mô hình trồng nấm của ông Nguyễn Văn Nhiên ở xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) đã thoát nghèo nhờ được vay 20 triệu đồng từ năm 2005, đến nay ông Nhiên có tới 4 trại nấm mèo và 2 trại nấm sò, cho thu nhập khá mỗi năm.
* Giảm nghèo bền vững
Năm 2010, HĐND tỉnh (khóa VII) đã ban hành nghị quyết về chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2011-2015). Trong đó, người dân ở thành thị có mức thu nhập dưới 850 ngàn đồng/tháng và ở nông thôn có mức thu nhập dưới 650 ngàn đồng/tháng thì được coi là hộ nghèo. Theo chuẩn nghèo mới này, toàn tỉnh hiện vẫn còn 39.958 hộ nghèo (chiếm khoảng 6,22%) trong tổng số 642.772 hộ. Mục tiêu trong năm nay toàn tỉnh sẽ có khoảng 7,8 ngàn hộ được đưa ra khỏi danh sách này. Như vậy, số hộ nghèo từ 6,2% đầu năm 2011 sẽ còn khoảng 5% vào cuối năm nay.
Một hộ gia đình ở xã Sông Trầu đã xây dựng được căn nhà khang trang nhờ trồng nấm. |
Là một xã nông nghiệp, đang trong quá trình chuyển đổi ngành nghề, xã Sông Trầu, (huyện Trảng Bom) hiện có nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. Một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của xã là trồng nấm, nuôi gà thả vườn, nuôi heo, bò… Ông Nguyễn Phú Hữu, Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu cho biết: “Muốn nông dân thoát được nghèo cần giải quyết được các rào cản cơ bản là vốn sản xuất, đầu tư vào cây, con gì thì phù hợp và cho hiệu quả, bởi nông dân đã nghèo thì kèm theo thiếu kiến thức về sản xuất”.
Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh cho rằng, ban chỉ đạo giảm nghèo các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác giảm nghèo, trong đó mục tiêu cụ thể là phải giảm nghèo bền vững, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đã đề ra của từng giai đoạn. Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo của tỉnh đang rà soát lại các mô hình thoát nghèo bền vững tại cơ sở để rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình này ở cơ sở, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tỉnh đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc hỗ trợ nông dân vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở… |
Ở huyện Vĩnh Cửu, việc giảm nghèo bền vững cho nông dân không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng. Ông Đoàn Thạnh, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu cho rằng, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền là không được để nông dân mình nghèo. Để giảm nghèo bền vững cho nông dân, huyện Vĩnh Cửu đã đề ra các bước tiến hành cụ thể, như: giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất, mở các lớp khuyến nông để cung cấp kiến thức khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và thành lập các hợp tác xã, liên kết với các nhà máy tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ông Phan Trọng Hữu, Trưởng văn phòng Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh cho biết thêm: “Muốn nông dân thoát nghèo bền vững, ngoài việc được “mách nước” về phương pháp làm ăn hiệu quả còn cần sự phối hợp của nhiều ngành để hỗ trợ vốn sản xuất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm do nông dân sản xuất ra...”.
Công Nghĩa