Trong hai ngày 6 và 7-10, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức đại hội đại biểu lần thứ V (nhiệm kỳ 2011-2016). Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà Vương Thị Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Trong hai ngày 6 và 7-10, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức đại hội đại biểu lần thứ V (nhiệm kỳ 2011-2016). Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bà Vương Thị Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
* Trước hết, xin bà cho biết kết quả huy động từ cộng đồng của các cấp Hội để chăm lo cho người nghèo trong thời gian qua?
- Nhiệm kỳ IV của Hội Chữ thập đỏ tỉnh có khác hơn nhiệm kỳ trước là kéo dài tới 8 năm (2003-2011). Trong 8 năm qua, Hội đã nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, tổng giá trị mà Hội đã huy động được từ cộng đồng để chăm lo, giúp đỡ người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội là hơn 285 tỷ đồng. Tính trung bình mỗi năm Hội huy động hơn 36 tỷ đồng. Đặc biệt, trong các năm 2009-2010, dù bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, song việc huy động của Hội không những không bị giảm đi mà còn tăng lên (năm 2009, huy động được 49 tỷ đồng; năm 2010 huy động được 57 tỷ đồng).
* Từ việc huy động các nguồn lực đó, Hội đã có những hoạt động nổi bật nào, thưa bà?
- Một trong những hoạt động nổi bật của Hội thời gian qua là việc chăm lo Tết cho người nghèo. Với phương châm không để cho người nghèo nào không có Tết, Hội đã chỉ đạo cơ sở xem xét kỹ, không bỏ sót đối tượng nào. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực vận động xây tặng nhà chữ thập đỏ cho người khó khăn về nhà ở. Đến nay các cấp Hội đã vận động xây dựng hơn 2 ngàn căn, tổng trị giá trên 22 tỷ đồng.
Hội cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Hội chỉ đạo các Hội cơ sở xây dựng các nồi cháo tình thương ở bệnh viện để giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Đến nay 100% Hội cấp huyện thực hiện được việc này. Không chỉ chăm lo cho người nghèo về tinh thần, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn thực hiện được chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho người nghèo, qua đó giúp nhiều gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.
Các hoạt động của Hội về chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng tiếp tục được tổ chức sâu rộng, trong đó có việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiến máu nhân đạo. Hiện toàn tỉnh có 20 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện với hơn 2 ngàn người tham gia. Riêng Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa xây dựng được 1 câu lạc bộ nhóm máu hiếm, có 40 người tham gia. Tổng số máu mà các cấp Hội đã vận động nhân dân hiến tặng trong nhiệm kỳ qua hơn 80.300 đơn vị.
* Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định công tác chữ thập đỏ đã góp phần tích cực vào thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động của mình, Hội đã rút ra những bài học gì?
- Theo tôi, để làm tốt công tác chữ thập đỏ cần phải có đội ngũ cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm với công tác nhân đạo. Nếu không có tâm huyết thì không làm được công tác này. Cán bộ của Hội phải luôn đoàn kết, dân chủ, thống nhất cao trong điều hành và phân công nhiệm vụ.
Từ phát động của Hội Chữ thập đỏ, nhiều học sinh, sinh viên trong tỉnh đã tình nguyện tham gia hiến máu. |
Bên cạnh đó, Hội phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các nguồn quỹ. Càng làm tốt được yêu cầu này thì uy tín của Hội càng được nâng cao. Từng loại quỹ phải được mở tài khoản tại ngân hàng, mở sổ sách ghi chép rõ ràng; thường xuyên kiểm tra đối chiếu thu, chi trên chứng từ. Nguồn nào thì tài khoản đó, không sử dụng các nguồn quỹ một cách chồng chéo. Việc sử dụng các nguồn quỹ rõ ràng sẽ giảm được vi phạm, dễ trong điều hành lãnh đạo và quản lý, đồng thời dễ phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót…
Đó là một số bài học đã được chúng tôi rút ra trong nhiệm kỳ IV. Trên cơ sở đó để Hội xây dựng phương hướng, nhiệm vụ hoạt động cho nhiệm kỳ V. Ở nhiệm kỳ mới, Hội xác định phải xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội. Hội tổ chức tốt, có hiệu quả các hoạt động nhân đạo từ cơ sở, hướng về cơ sở; phối hợp chặt chẽ các ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong hoạt động nhân đạo. Các cấp Hội không ngừng nâng cao các phong trào, các cuộc vận động để tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của Hội trong hoạt động nhân đạo...
* Xin cảm ơn bà!
* Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội phát động, từ năm 2008 đến nay các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động được 1.954 lượt tổ chức, cá nhân giúp đỡ theo địa chỉ cho 5.848 lượt đối tượng đặc biệt khó khăn, bằng các hình thức trợ giúp tiền, gạo hàng tháng, vốn sản xuất, đưa đi học nghề, mua phương tiện làm ăn… với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng. * Các cấp Hội trong tỉnh đã vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, tổ chức khám phân loại bệnh mắt cho 55.338 lượt người nghèo và đã tiến hành phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 13.946 người nghèo, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở Hội còn vận động trao tặng 4.282 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trị giá hơn 700 triệu đồng. * Từ năm 2003 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã vận động cứu trợ khẩn cấp 55 lượt tại các tỉnh trong nước bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa. Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội, các cấp Hội đã vận động ủng hộ nhân dân các nước bị động đất, sóng thần, bão lụt. Trong đó, riêng đợt ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị động đất, sóng thần vừa qua với số tiền hơn 4 tỷ đồng. * Để chủ động, kịp thời hơn trong ứng phó với thiên tai và trong tổ chức các hoạt động nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đề ra mục tiêu ở nhiệm kỳ 2011-2016, xây dựng các loại quỹ dự phòng thường xuyên ít nhất 1,5 tỷ đồng; ở mỗi cấp huyện có ít nhất từ 150 triệu đồng; mỗi cấp cơ sở có ít nhất 10 triệu đồng. Dương An |
Phương Hằng (thực hiện)