Đối với bậc tiểu học (TH) có cần thiết phải đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTH) vào giảng dạy? Trẻ em mê game, lơ là việc học, phụ huynh loay hoay trong việc cấm con chơi game nhưng không thành công. Có cách nào dung hòa giữa việc học và chơi trên máy tính?
Đối với bậc tiểu học (TH) có cần thiết phải đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTH) vào giảng dạy? Trẻ em mê game, lơ là việc học, phụ huynh loay hoay trong việc cấm con chơi game nhưng không thành công. Có cách nào dung hòa giữa việc học và chơi trên máy tính?
Hàng loạt câu hỏi, băn khoăn của nhiều người, nhiều giới đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin cho học sinh bậc tiểu học” do Câu lạc bộ phóng viên văn hóa - xã hội thuộc Hội Nhà báo Đồng Nai phối hợp với Công ty cổ phần viễn thông tin học Đắc Nhân tổ chức tại tòa soạn Báo Đồng Nai ngày 28-10. Hội thảo không chỉ làm rõ thực trạng ứng dụng CNTT ở bậc TH trên địa bàn hiện nay, mà còn giới thiệu giải pháp biến việc tiếp thu kiến thức trở thành niềm vui cho học sinh.
* Chưa được quan tâm đúng mức
Ông Nguyễn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục TH (Sở GD-ĐT) cho biết, từ năm 2008-2009 Bộ GD-ĐT chủ trương đưa ứng dụng CNTT vào nhà trường, đã tạo nên nhận thức không chỉ trong giáo viên mà cả học sinh lẫn phụ huynh về tầm quan trọng của việc áp dụng CNTT trong công tác dạy và học. Nhưng đến nay những ứng dụng này phần lớn mới dừng lại ở việc sử dụng các phần mềm quản lý, hoặc giúp giáo viên “nhẹ gánh” trong việc sổ sách, giáo án.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng bộ phận quản lý đào tạo của VTC online phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Tuyết |
Riêng ở bậc TH, việc ứng dụng hầu như vẫn dừng lại ở bước ban đầu. Thống kê cho thấy, trong các hội giảng, hội thi giáo viên dạy giỏi chỉ 20-25% số tiết tham dự có sử dụng trình chiếu PowerPoint, còn dạy ở lớp thì rất ít khi sử dụng ứng dụng CNTT nào khác ngoài việc soạn giáo án bằng máy vi tính. Về cơ sở vật chất, đến nay cũng chỉ mới có 21/300 trường có phòng máy vi tính và thực hiện giảng dạy môn tin học, nhưng đa số tập trung tại các trường TH dân lập. Một số trường TH mới được xây dựng khang trang nhưng thiếu hạng mục phòng máy vi tính, còn những trường có trang bị thì số lượng cũng rất hạn chế. Trường nào quan tâm trang bị thì nhiều nhất cũng chỉ có một máy chiếu, các lớp khó thể ứng dụng trình chiếu PowerPoint thường xuyên.
Bên cạnh đó, vẫn còn có quan niệm rằng học sinh TH còn nhỏ nên chưa cần thiết đầu tư dù trong thực tế nhu cầu về ứng dụng CNTT ở bậc học này cũng nhiều không kém gì học sinh THCS, THPT. Cụ thể như trong năm học 2010-2011 vừa qua, toàn tỉnh có trên 175 ngàn học sinh tham gia cuộc thi giải toán và tiếng Anh qua mạng do Bộ GD-ĐT tổ chức. Điều đó cho thấy nhu cầu học tập về tin học của học sinh TH lẫn mong muốn của phụ huynh là rất lớn.
* Nhu cầu cấp thiết
Theo nhà báo Phan Văn Tú, ở các nước tiên tiến hiện nay thường theo xu hướng sử dụng truyền thông thị giác, học sinh tiếp cận thông tin bằng cách nhìn nhiều hơn nghe. Vì thế, xu thế dạy và học mới cần ứng dụng triệt để phương pháp trực quan hóa để học sinh tích cực sử dụng các giác quan và tay, nhất là đối với học sinh TH.
Thanh Thúy Học sinh tiểu học ở Đồng Nai thi Olympic tiếng Anh trên máy tính do Bộ GD-ĐT tổ chức. |
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng bộ phận quản lý đào tạo và quan hệ quốc tế của VTC online cho rằng, cách ứng dụng CNTT trong dạy và học như hiện nay còn rất đơn sơ nên khó thể tạo hiệu quả cao như mong muốn. Cần phải có những phần mềm dạy học có kịch bản tốt, bổ ích để học sinh tự nhập vai, tự khám phá kiến thức, qua đó tăng tính chủ động, tính tương tác giữa dạy và học. Hiện các nước phát triển có rất nhiều phần mềm dạy học dưới dạng game, như “80 ngày vòng quanh thế giới” dẫn dắt học sinh - người chơi đến với những bài học địa lý rất tự nhiên, nhẹ nhàng mà hứng thú. Nhưng những game này chưa chắc phù hợp với tâm sinh lý, văn hóa của học sinh Việt Nam, vì vậy cần có những game “thuần Việt” dành riêng, bám sát chương trình học và phù hợp với học sinh TH của nước ta.
Còn ông Nguyễn Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Nguyễn Khuyến lại bày tỏ băn khoăn, cho rằng việc ứng dụng CNTT dù rất cần thiết trong xu thế dạy học mới, nhưng với chương trình học còn nặng về nhồi nhét kiến thức của học sinh TH như hiện nay, nếu giáo viên quá quan tâm vào ứng dụng CNTT sẽ không đủ thời gian truyền đạt theo quy định chương trình, học sinh quá mê mải với hình ảnh của các game cũng sẽ quên tiếp thu kiến thức. Theo ông Nguyễn Đạt, tốt nhất là dung hòa: kết hợp phương pháp dạy truyền thống với hiện đại, chương trình học cần giảm tải để giáo viên có điều kiện ứng dụng CNTT, nhà trường tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tin học, và đặc biệt là cần có những nhà sản xuất thật sự tâm huyết để cho ra đời những phần mềm gắn với mục tiêu giáo dục, thực sự bổ ích cho học sinh TH.
Nhà xuất bản Đồng Nai vừa phát hành bộ phần mềm dạy học có tên gọi “Đậu Lém phiêu lưu ký” của tác giả Phạm Thùy Nhân. “Đậu Lém phiêu lưu ký” được thiết kế dưới dạng game giúp học toán cho học sinh TH, trong đó nhân vật Đậu Lém trên bước đường phiêu lưu, khám phá thế giới đã gặp rất nhiều chướng ngại vật mà muốn vượt qua thì phải… giải một bài toán. Nội dung chương trình bộ phần mềm này bám sát đề cương môn toán ở bậc TH, nhằm giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn kỹ năng giải toán, hiện đã thực hiện được 3 tập dành cho học sinh lớp 1, 2 và 3. Với nét vẽ sinh động, màu sắc và âm nhạc vui tươi, những bài toán trong sách giáo khoa đều được minh hoạ thành hình ảnh, kết cấu của trò chơi cũng có những điểm thưởng như một game thực sự giúp cho học sinh có cảm giác ngồi chơi chứ không phải học. Game còn lồng vào đó những bài học giáo dục về tình bạn, tính tương thân tương ái giúp đỡ nhau thông qua các nhân vật xuất hiện trong chuyến phiêu lưu. Ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát nhận xét: “Đậu Lém phiêu lưu ký” là phần mềm có ý tưởng nghiêm túc, được thực hiện rất công phu bởi những người thật sự tâm huyết với ngành giáo dục. Sắp tới, phần mềm “Đậu Lém phiêu lưu ký” sẽ được giới thiệu trong các trường thuộc hệ thống giáo dục của Toàn Thịnh Phát trên địa bàn Đồng Nai...”. |
Thanh Thúy