“Tôi không nghĩ việc mình làm sẽ được tuyên dương là gương người tốt. Bởi thấy việc gì ích cho nước, lợi cho dân, cho bà con xung quanh mình thì làm, thế thôi!” - bà Trần Thị Phấn ở phường Xuân Bình (TX.Long Khánh) đã nói với chúng tôi như thế.
“Tôi không nghĩ việc mình làm sẽ được tuyên dương là gương người tốt. Bởi thấy việc gì ích cho nước, lợi cho dân, cho bà con xung quanh mình thì làm, thế thôi!” - bà Trần Thị Phấn ở phường Xuân Bình (TX.Long Khánh) đã nói với chúng tôi như thế.
Bà Phấn là một trong số 100 tấm gương người tốt - việc tốt được tỉnh tuyên dương vào ngày 27-9 vừa qua.
* Việc nhỏ, ý nghĩa lớn
66 tuổi, nhưng bà Phấn chưa ngơi nghỉ đóng góp cho xã hội. Hiện bà giữ tới “6 đầu việc” ở địa bàn, từ công tác Đảng đến công tác phụ nữ, công tác hòa giải, thu gom rác, phòng chống bạo lực gia đình… Với uy tín bản thân, phương pháp vận động khéo léo, lại tâm huyết với “nghề” hoạt động xã hội nên việc nào bà cũng làm tròn vai. Đặc biệt, bà rất có duyên với công tác hòa giải. Nhiều gia đình đứng bên bờ vực tan vỡ, được bà khuyên bảo, phân tích phải trái mà trở lại đoàn tụ. Thấy bà vui với công việc xã hội, nên người thân trong gia đình cũng hết lòng động viên và hỗ trợ bà trong công việc “vác tù và hàng tổng” này.
Khen thưởng những tấm gương người tốt – việc tốt. Ảnh: P.Liễu
Cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm “làm việc tốt” tại lễ tuyên dương có ông Thổ Phú, người dân tộc Chơro ở xã Bảo Quang (TX.Long Khánh), người đã 12 lần hiến máu nhân đạo và vận động hàng chục người khác tham gia. “Ban đầu tôi hiến máu chỉ để xem có bị bệnh gì không. Nhưng rồi thấy được ý nghĩa thiết thực của việc hiến máu và thấy hiến máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân, cũng chẳng phải là việc “mang tội với núi rừng” như nhiều người vẫn nói, nên tôi cứ tiếp tục việc nghĩa này” - ông nói.
Chia sẻ kinh nghiệm vận động 13 người thân là vợ, con, anh em cùng tham gia hiến máu nhân đạo, ông Thổ Phú tâm sự: “Để làm được điều đó, tôi cũng gặp không ít khó khăn khi vợ cằn nhằn: “Tui “nuôi” ông bao nhiêu cơm gạo mới ra chừng ấy máu, giờ ông đem cho người ta hết, ông phụ công tui, tui không “nuôi” ông nữa” khiến tôi phải hết lời giải thích với vợ, đồng thời chứng minh công việc nương rẫy và sinh hoạt gia đình mình vẫn đảm nhận tốt”. Bây giờ, khi có bệnh nhân cần, ông cùng mọi người luôn sẵn sàng hiến những giọt máu quý giá của mình để cứu người.
Nhặt được của rơi trả lại người mất, trả lại tiền thừa cho khách hàng nhiều người cũng đã làm, nhưng có đến 202 lần trả lại tiền thừa với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng thì không phải ai cũng làm được. Đó là câu chuyện của chị Lê Thị Thảo, cán bộ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện Trảng Bom. Là một thủ quỹ có thâm niên hơn 20 năm, chị Thảo luôn cần mẫn với công việc của mình. Khi kiểm tiền trả, tiền gửi của khách hàng, chị phát hiện tiền thừa có khi là 100, 200 ngàn đồng, có khi lên đến cả trăm triệu đồng, chị đều vui vẻ trả lại cho khách hàng.
Chị Thảo chia sẻ: “Nếu mình không trả, nhiều khi khách hàng cũng chẳng biết. Nhưng nghĩ tiền bạc, tài sản của khách hàng là mồ hôi, nước mắt của họ. Hơn nữa, đức tính cần thiết của một cán bộ ngành ngân hàng là phải “liêm khiết thật thà”, uy tín của ngân hàng chính là uy tín của từng nhân viên; khách hàng tin vào nhân viên thì cũng tin vào ngân hàng… Vì thế, trả lại tiền thừa theo tôi cũng là việc bình thường”. 4 năm qua với 202 lần trả lại tiền thừa, chị Thảo là tấm gương người tốt - việc tốt được tuyên dương đến 3 lần.
* Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân
Nằm trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chương trình người tốt - việc tốt của tỉnh đã bước sang năm thứ 10 với việc tuyên dương nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Đến nay, chương trình vẫn tiếp tục được nhân rộng, đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Với đủ mọi thành phần, lứa tuổi, ngành, giới…, mỗi tấm gương đều đem lại mỗi câu chuyện tốt đẹp làm cảm động lòng người. Không chỉ 3 nhân vật được mời giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm việc tốt, mà còn nhiều điển hình như thương binh Hồ Văn Tiên luôn nhiệt tình với công tác xã hội; anh Phạm Trọng Quyền dũng cảm bắt cướp và cảm hóa được nhiều trẻ em hư hỏng; cô giáo Hồ Thị Hiệp, hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phước luôn có những đổi mới, cải tiến trong quản lý giáo dục… Tất cả những việc làm đó đều toát lên tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng và tinh thần đoàn kết, tương thân của người dân Đồng Nai hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm chương trình người tốt - việc tốt của tỉnh, cho biết: “Mục đích của chương trình là nhằm phát hiện ra những tấm gương người tốt - việc tốt ở mọi lĩnh vực, mọi địa phương trong tỉnh để biểu dương, khen thưởng, giới thiệu cho mọi người học tập, nhân rộng, để người người làm việc tốt, làm đẹp thêm, lành mạnh thêm xã hội”.
Hiện có nhiều gương người tốt - việc tốt vẫn đang âm thầm “góp lửa” cho đời. Dù được hay chưa được tuyên dương thì việc làm của họ cũng có ý nghĩa rất lớn lao, có tác dụng giáo dục, cổ vũ mọi người sống tốt hơn, có ích hơn cho xã hội...
Phương Liễu