Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo điều kiện cho mọi người học tập suốt đời

09:10, 11/10/2011

Hiện nay, việc xây dựng xã hội học tập không chỉ tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân mà còn được coi là chìa khóa của phát triển bền vững, hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế - xã hội. Vì vậy, quá trình triển khai xây dựng xã hội học tập (XHHT) ở nước ta đang từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Hiện nay, việc xây dựng xã hội học tập không chỉ tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân mà còn được coi là chìa khóa của phát triển bền vững, hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế - xã hội. Vì vậy, quá trình triển khai xây dựng xã hội học tập (XHHT) ở nước ta đang từng bước mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Trong XHHT, mỗi người đều được giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời. Ðể học tập trong suốt cuộc đời, không phải lúc nào cũng phải học theo lớp, học trong trường chính quy mà có thể học mọi lúc, mọi nơi, mọi người và bằng mọi phương tiện với phương châm lấy tự học làm cốt.  Ðề án xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2010 của nước ta xác định tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, mọi trình độ, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục. Ðến nay, trong xây dựng XHHT, công tác xóa mù chữ (XMC) được triển khai ở khắp các địa phương gồm cả việc huy động số người mù chữ trong độ tuổi ra các lớp học, lẫn việc đẩy mạnh các hoạt động đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng XMC. Ngoài việc nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi (15-35), một số địa phương đã tăng tỷ lệ người biết chữ ở độ tuổi trên 35 và từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác chống mù chữ. Trong năm năm qua, cả nước huy động được 383.651 người theo học XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Mặt khác, công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội nhằm nâng cao khả năng công tác cho đội ngũ cán bộ cơ sở cấp xã, cấp huyện đã được triển khai thực hiện nghiêm túc ở nhiều địa phương. Mỗi năm, có hàng trăm ngàn cán bộ cấp xã, cấp huyện được tham gia học tập bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế. Công tác bồi dưỡng kiến thức giúp nâng cao hiểu biết, khả năng lao động, sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp đã được chú trọng góp phần thiết thực trong việc cải thiện năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững cho người dân. Ngoài ra, trong năm năm qua, cả nước có hơn 86 triệu lượt người, nông dân, công nhân, cán bộ... tham gia các lớp học chuyên đề cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khác giúp người lao động thuộc nhiều thành phần kinh tế nâng tầm hiểu biết, nâng cao năng lực, hiệu quả trong lao động sản xuất. Nhiều thành tựu khoa học, công nghệ mới về lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã được nông dân ứng dụng thành công và nhân rộng trong cộng đồng. Ðáng chú ý, nhằm từng bước tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho mọi người đều được học tập, mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) và các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCÐ) được phát triển rộng khắp. Cả nước có 67 TTGDTX của 58 tỉnh, thành phố; có 635 trung tâm cấp huyện. Ngoài ra, cả nước đã có hơn 10 ngàn TTHTCÐ ở các xã, phường, thị trấn, phục vụ tốt cho việc học tập của nhân dân.

Có thể nói, công tác xây dựng XHHT, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mỗi người ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng XHHT, học tập suốt đời cho mọi người, nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và người dân ở một số địa phương còn hạn chế dẫn đến nhận thức việc học tập chỉ ở trong nhà trường, qua sách vở. Thực tế cho thấy, năng lực và hiệu quả hoạt động của các TTGDTX, TTHTCÐ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện các mục tiêu xây dựng XHHT. Một số trung tâm chưa quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, giáo viên các trung tâm. Vì vậy, xây dựng XHHT cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và sự ủng hộ  nhiệt tình của đông đảo người dân trong cộng đồng trên khắp mọi miền đất nước. Coi trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội,... về mục đích, ý nghĩa, vai trò và ích lợi của học tập suốt đời, xây dựng XHHT. Theo Vụ trưởng GDTX (Bộ GD-ÐT) Nguyễn Công Hinh, cần có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách về học tập suốt đời, xây dựng XHHT từ cơ sở. Ðồng thời, phát triển mạng lưới cơ sở GDTX phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của địa phương và đầu tư đồng bộ các điều kiện bảo đảm chất lượng. Các cơ quan quản lý GD-ÐT cần phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, HĐND và UBND trong việc đề ra những chủ trương, chính sách, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể cùng cấp, thiết lập hệ thống kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ hàng năm các tiến độ, giải pháp và kết quả công tác xây dựng XHHT tại địa phương. Mặt khác, quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động phải thành lập quỹ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, cơ sở mình nhằm tạo điều kiện cho người lao động được học tập và dành thời gian cho người lao động được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực...

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, để thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì phải tiếp tục phát triển giáo dục. Ðiều đó đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân cần quán triệt chủ trương của Ðảng và Nhà nước về “Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho mọi công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo”; đầu tư thích đáng cho GD-ÐT, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội học tập và học tập suốt đời, phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến về tinh thần xây dựng xã hội học tập suốt đời. Mọi người dân Việt Nam cần tham gia học tập suốt đời, chung tay xây dựng xã hội học tập để chứng minh sức mạnh của con người Việt Nam, sức mạnh của đất nước Việt Nam trong cùng quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng, phát triển bền vững.

Thành Sơn


 

 

 

Tin xem nhiều