Để đạt được các tiêu chuẩn về trường học đạt chuẩn quốc gia, tập thể giáo viên Trường mẫu giáo Cây Gáo (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) đã phải nỗ lực trong điều kiện hết sức khó khăn. Nói như trưởng phòng GD-ĐT Trảng Bom Phạm Xuân Phùng thì: “Đó chính là sự nỗ lực vượt lên chính mình”.
Để đạt được các tiêu chuẩn về trường học đạt chuẩn quốc gia, tập thể giáo viên Trường mẫu giáo Cây Gáo (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) đã phải nỗ lực trong điều kiện hết sức khó khăn. Nói như trưởng phòng GD-ĐT Trảng Bom Phạm Xuân Phùng thì: “Đó chính là sự nỗ lực vượt lên chính mình”.
Từ một ngôi trường có tới 5 cơ sở lẻ nằm rải rác, phải mượn nhà dân làm phòng học, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, điện chiếu sáng và chỉ có 2 giáo viên biên chế, còn lại là hợp đồng, thế mà đến nay trường đã có đủ giáo viên, trong đó có 75% giáo viên đạt trình độ cao đẳng sư phạm mầm non, 25% có trình độ đại học. Giờ đây trường đã có cơ sở tập trung, với tổng diện tích gần 4 ngàn m2, với đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị dạy học, có đường điện thắp sáng riêng và nhiều hạng mục công trình, như: các khu vui chơi chợ làng quê, trò chơi dân gian, sân tập thể dục, vườn cây ăn quả, vườn rau của bé…
Cô và các bé ở Trường mẫu giáo Cây Gáo.
Hiệu trưởng Võ Thị Ngọc Trâm chia sẻ: “Có được những kết quả trên, bên cạnh sự đầu tư của địa phương và nguồn ngân sách, nhà trường còn thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, nhà trường xác định quan điểm: Xã hội hóa không có nghĩa là ủng hộ nhiều tiền, mà với phụ huynh có điều kiện thì ủng hộ bằng kinh phí, phụ huynh khó khăn thì giúp công sức”.
Đa số các cháu của trường là người dân tộc Hoa, Tày, Nùng… nên công tác nâng cao chất lượng giáo dục hết sức gian nan. Để vận động trẻ ra lớp đã khó, vận động được 100% trẻ học bán trú lại càng khó hơn. Theo từng năm, nhà trường tổ chức mô hình cuốn chiếu và tăng dần số lượng học sinh học bán trú tại trường.
Không dừng lại ở quản lý chuyên môn, vấn đề dinh dưỡng của cháu luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Với đặc thù của một vùng quê nghèo nên chỉ với giá thu 340 ngàn đồng/tháng/cháu, nhà trường phải tính toán đảm bảo nguyên tắc “ngon - bổ - rẻ” để đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ là điều không dễ dàng. Hiệu trưởng Võ Thị Ngọc Trâm cho hay: “Nhà trường đã tận dụng sản phẩm sẵn có tại địa phương và ký kết được với nhà sản xuất mua với giá ưu đãi để trẻ ăn uống được đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng”. Nhờ nỗ lực này, đến nay trường có trên 180 cháu (6 lớp) theo học, tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 97%. Phụ huynh Lìu A Sách có hai con đang học tại trường này cho biết: “Các cô rất yêu thương, tận tình chăm sóc dạy dỗ các cháu. Chúng tôi rất yên tâm khi gửi con tại trường”.
Bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) nhận định: “Trường mẫu giáo Cây Gáo là một ngôi trường thân thiện, tuy có khuôn viên không lớn nhưng thể hiện rõ sự ngăn nắp, nề nếp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một trường chuẩn. Những nỗ lực của trường nên được chia sẻ và là một mô hình hay để các địa phương học tập”.
Chia sẻ những kinh nghiệm của trường, Hiệu trưởng Võ Thị Ngọc Trâm nói: “Công tác xây dựng trường chuẩn của trường là một quá trình lâu dài, bền bỉ. Với rất nhiều công việc đôi lúc chúng tôi tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng nếu có một tập thể sư phạm thực sự tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ và có một kế hoạch chi tiết để tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh thì sẽ đem lại kết quả như ý”.
Bích Hường