1. Cậu học sinh tiểu học chuẩn bị thi giữa học kỳ 1, được cô giáo giao về nhà học thuộc lòng bốn bài văn mẫu.
1. Cậu học sinh tiểu học chuẩn bị thi giữa học kỳ 1, được cô giáo giao về nhà học thuộc lòng bốn bài văn mẫu. Tôi hỏi có trúng một trong bốn đề đó không, cậu bé không trả lời mà chỉ nói rằng, từ năm lớp 3 đến giờ cháu phải học thuộc lòng các bài văn mẫu. Dù được điểm cao nhưng cháu vẫn sợ môn tập làm văn.
Tìm hiểu từ bạn bè, đồng nghiệp các trường, tôi thấy nhiều người có cách dạy văn rất lạ. Đến gần ngày thi là cô cho trong lớp mỗi đề bài bốn hay năm bài văn mẫu khác nhau để học trò học vẹt. Sở dĩ một đề phải có từng ấy bài văn mẫu vì sợ cả lớp đều giống nhau. Thế nên, học trò phải ngày đêm nhồi nhét cho thuộc lòng, hàng ngày cô giáo kiểm tra từng em...
2. Con của người bạn cùng cơ quan tôi đang học lớp 8 ở một trường khá nổi tiếng trong nội ô thành phố lại có cách học văn “siêu” hơn. Mỗi lần có kiểm tra hay thi là lên mạng, gõ google chỉ vài giây đã có ngay một loạt bài văn mẫu được lấy về. Và cũng như học trò tiểu học, cháu học thuộc vanh vách. Khuyên cần thay đổi kiểu, cách học văn thì cháu nói rất ngại, không biết viết như thế nào, chẳng có cảm xúc để viết. Cháu kể, đã mấy lần trong lớp có vài bài làm giống nhau, bị cô phát hiện và đành ăn điểm trung bình.
3. Một đồng nghiệp dạy văn THPT băn khoăn về việc học văn của học sinh ngày càng có vấn đề. Học sinh ít đọc sách văn học, thay vào đó là lướt wed, chơi game, mê truyện tranh... Bài làm vụng về câu chữ, ý sơ sài, thiếu chặt chẽ, thiếu xúc cảm, cảm thụ văn học một cách khô cứng, gượng gạo. Các vấn đề thời sự của xã hội đương đại cảm nhận không có chiều sâu. Lý luận hay phân tích tác phẩm theo khuôn mẫu, sáo rỗng. Học sinh hay viết rập khuôn theo những bài văn hay.
Đó là hậu quả mà lẽ ra ngay từ bậc tiểu học, giáo viên nên hướng cho học sinh viết những bài văn với chất giọng của trẻ nhỏ. Từ những cảm xúc thật sự non nớt, trong sáng và thơ ngây ấy sẽ dần dần phát triển được niềm đam mê học văn của các em, giúp các em thích thú với văn chương hơn. Không nên gò ép các em vào ngôn ngữ, câu chữ “già chát” của người lớn.
Một trong những mục tiêu quan trọng và cơ bản của dạy học môn ngữ văn là hình thành nhân cách và bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm… Văn mẫu, hay nói một cách chính xác là “đạo văn” của người khác đã làm ảnh hưởng lớn đến nhân cách và lòng tự trọng của trẻ. Văn là người. Học văn là học làm người. Xin đừng để những bài văn mẫu làm thui chột cảm xúc...
Hưng Nhân