Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình

09:11, 09/11/2011

Về hưu, không còn trực tiếp “trồng người”, nhưng có những nhà giáo vẫn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ và tấm lòng của mình cho cộng đồng thông qua hoạt động của các cấp Hội Cựu giáo chức...

 

Về hưu, không còn trực tiếp “trồng người”, nhưng có những nhà giáo vẫn tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ và tấm lòng của mình cho cộng đồng thông qua hoạt động của các cấp Hội Cựu giáo chức...

Chồng bệnh liên miên, đồng lương giáo viên mầm non lại ít ỏi nên cưới nhau gần 10 năm rồi mà gia đình 3 thành viên của cô giáo Nguyễn Thị Hương (Trường mầm non Phú Thịnh, huyện Tân Phú) vẫn chưa có nổi mái ấm cho riêng mình. Cả gia đình phải ở nhờ tại nhà anh ruột. Thế rồi Hội Cựu giáo chức huyện Tân Phú đã vận động một người hàng xóm cho cô Hương mảnh đất nhỏ, sau đó gom góp kinh phí xây dựng cho gia đình cô mái nhà tuy đơn sơ nhưng thật ấm áp nghĩa tình đồng nghiệp.

 * Tương thân, tương ái

Ông Nguyễn Văn Vưu, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh cho biết, với nếp sống thanh bạch của nghề giáo, nhiều nhà giáo khi về hưu đời sống gặp nhiều khó khăn, vì thế một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp Hội là quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.

Nhà giáo Lê Thị Hoàn sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục dạy lớp học tình thương ở Long Bình Tân (TP. Biên Hòa). Ảnh: P. Liễu
Nhà giáo Lê Thị Hoàn sau khi nghỉ hưu vẫn tiếp tục dạy lớp học tình thương ở Long Bình Tân (TP. Biên Hòa). Ảnh: P. Liễu

 

Không riêng gì trường hợp của cô giáo Hương, mà hầu hết các hội viên khi ốm đau, bệnh tật hoặc không may gặp hoàn cảnh khó khăn, như: cô Đặng Thị Hòa (71 tuổi) bị tai biến mạch máu não đã 23 năm; thầy Nguyễn Văn Ba (79 tuổi) bị phẫu thuật đường ruột; cô Lâm Xuân Nghiện (88 tuổi) già yếu, neo đơn… đều được Hội thăm hỏi, động viên kịp thời. Những hội viên cao tuổi, nhà giáo có 30 năm tuổi Đảng trở lên, nhà giáo là thương binh, cựu chiến binh… cũng đều được chúc mừng nhân các ngày lễ, tết. Hội Cựu giáo chức huyện Xuân Lộc còn tổ chức hỗ trợ vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế gia đình. “Hội Cựu giáo chức là hội tự nguyện, không được cấp bất cứ khoản kinh phí nào, nguồn quỹ hội chủ yếu do vận động và hội viên đóng góp. Vì thế sự hỗ trợ về vật chất chẳng đáng là bao, song đó là tình cảm thân ái, là tình đồng nghiệp với nhau nhằm góp phần chia sẻ, động viên nhau lúc tuổi già”, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chi hội cựu giáo chức Văn phòng Sở GD-ĐT cho biết.

Quan trọng hơn, Hội còn luôn là nhịp cầu nối giữa các hội viên với hoạt động cộng đồng. Hàng năm vào ngày truyền thống nhà giáo Việt Nam 20-11 và Tết Nguyên đán, các cấp Hội đều tổ chức họp mặt, tôn vinh những tấm gương hội viên tiêu biểu. Để giúp các hội viên sống vui, sống khỏe, nhiều chi hội còn thành lập các câu lạc bộ dưỡng sinh, văn nghệ, cầu lông, cờ tướng, thơ; tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm phòng chống bệnh, chữa bệnh bằng thuốc Đông y, châm cứu… Hội Cựu giáo chức huyện Trảng Bom, Chi hội cựu giáo chức Trường THPT Trấn Biên còn thực hiện các bản tin phổ biến kinh nghiệm giảng dạy, nuôi con “Học giỏi, sống tốt”. Chi hội cựu giáo chức Trường THPT Ngô Quyền thì tổ chức cho hội viên đi tham quan, du lịch nghỉ dưỡng. Các sinh hoạt này không chỉ giúp các cựu giáo chức gắn bó với nhau hơn mà còn truyền đạt được những kiến thức bổ ích đến mọi người.

* Hưu nhưng không nghỉ

Điều đáng trân trọng của Hội Cựu giáo chức là dù hội viên đều là những người đã nghỉ hưu, nhưng các hoạt động của Hội đều nối kết và hướng về cộng đồng. Nhiều hội viên như các cô: Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Võ Thị Xừng, Lê Thị Hoàn (Hội Cựu giáo chức TP.Biên Hòa) đã tự nguyện đứng lớp ở các lớp học tình thương, đem con chữ đến cho trẻ em nghèo lang thang, cơ nhỡ, có hoàn cảnh thiếu may mắn. Các thầy, cô khác như: Vũ Đình Sùng, Lê Văn Thuấn, Bùi Văn Ngọc, Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Lê Thị Cẩm Vinh… hàng năm đều nhận đỡ đầu các học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi có thêm điều kiện đến trường.

Hội Cựu giáo chức tỉnh được thành lập từ năm 2006, đến nay đã tập hợp được 1.773 hội viên thuộc 69 chi hội trên toàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2006-2010 vừa qua, các cấp Hội và hội viên đã có: 6 tập thể, 9 cá nhân nhận bằng khen của Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam; 5 tập thể, 14 cá nhân nhận bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; 50 tập thể, 52 cá nhân khác nhận bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích hoạt động xuất sắc.

 

Một số hội viên khác thì tiếp tục nỗ lực phục vụ xã hội, như cô Đinh Kim Anh đã phấn đấu lấy bằng thạc sĩ và hiện giảng dạy ở Trường đại học Lạc Hồng; cô Lê Thị Nga, thầy Nguyễn Quý Kiệm (Hội Cựu giáo chức huyện Định Quán) giảng dạy ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Định Quán; thầy Trần Văn Khâu, Trần Văn Diệu, Nguyễn Văn Thuận (Hội Cựu giáo chức huyện Vĩnh Cửu) được bà con tín nhiệm bầu vào HĐND xã. Nhiều nhà giáo khác cũng tham gia Ban chấp hành Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban MTTQ các cấp. Nhiều hội viên cũng tham gia cộng tác với các cơ quan truyền thông, là “cây bút” quen thuộc với bạn đọc, như: Bùi Quang Tú, Nguyễn Văn Nhì, Nguyễn Tế Nhị, Bùi Văn Tý...

Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2006-2010), các cấp Hội đã vận động được gần 1 tỷ đồng để xây dựng quỹ giảm nghèo và người bệnh khó khăn. “Nghề giáo nghèo nhưng cao quý, đã theo chúng tôi gần hết cuộc đời. Chúng tôi tự hào đã đóng góp cho xã hội bằng sự nghiệp trồng người của mình. Với tinh thần ấy, dù đã nghỉ hưu, thậm chí nhiều người đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng sự nhiệt tình, hăng say của cái thời cầm phấn đứng trên bục giảng vẫn là động lực thúc đẩy các hội viên tiếp tục dành trí tuệ, sức lực còn lại để đóng góp cho xã hội”, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Văn Vưu tâm sự.

Thanh Thúy

 


 

Tin xem nhiều