Không chỉ là huyện đầu tiên của tỉnh thành công với phong trào “nuôi heo đất khuyến học”, thời gian qua, Hội Khuyến học huyện Nhơn Trạch còn nổi lên với nhiều cách làm sáng tạo, những mô hình hay trong công tác khuyến học, khuyến tài.
Không chỉ là huyện đầu tiên của tỉnh thành công với phong trào “nuôi heo đất khuyến học”, thời gian qua, Hội Khuyến học huyện Nhơn Trạch còn nổi lên với nhiều cách làm sáng tạo, những mô hình hay trong công tác khuyến học, khuyến tài.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, thường trực Hội Khuyến học huyện, cho biết: “Bắt tay vào làm các phong trào khuyến học, việc đầu tiên mà Hội Khuyến học huyện hướng tới là tuyên truyền cho nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài. Từ đó, thu hút sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác này”.
Học sinh Nhơn Trạch trong ngày hội khui heo đất khuyến học. Ảnh: B. Hường
Đến nay, nhiều mô hình khuyến học ở Nhơn Trạch đã hình thành, được nhân dân hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, nuôi heo đất khuyến học là một trong những phong trào có quy mô rộng rãi nhất. Từ năm học 2008-2009, Hội Khuyến học huyện đã triển khai thí điểm nuôi heo đất khuyến học ở 12 Hội cơ sở và Hội Khuyến học Trường THPT Nhơn Trạch. Kết quả bất ngờ khi ngay trong năm đầu tiên triển khai, 8 ngàn con heo đất được phát động nuôi đã có trên 7.200 con heo trưởng thành với số tiền thu được 820 triệu đồng. Đến nay, qua ba năm thực hiện mô hình này, số tiền tiết kiệm đã đạt gần 3 tỷ đồng. Hàng năm, vào ngày 19-5, trên địa bàn huyện lại tưng bừng tổ chức “Ngày hội khui heo đất khuyến học”. Số tiền thu được được dùng để chăm lo cho các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trên địa bàn.
Đến nay, quỹ khuyến học huyện Nhơn Trạch đạt trên 11 tỷ đồng; phát triển 13/13 Hội Khuyến học cơ sở với 146 chi, tổ, hội; phát triển hơn 10 ngàn hội viên; vận động trên 7 ngàn gia đình đăng ký gia đình hiếu học..
Một mô hình nữa là mô hình tổ nhân dân khuyến học tại xã Phước Khánh. Hiện toàn xã đã thành lập được 27 tổ. Thời gian qua, các tổ đã đóng góp sức người, sức của để chăm lo cho con em trong tổ, mỗi năm trao 12 suất tiếp sức sinh viên (1,2-1,5 triệu đồng/suất), trao 79 suất học bổng (300-500 ngàn đồng/suất) và nhiều phần quà có ý nghĩa, giúp các em vươn lên trong học tập. Mô hình này đã được nhân rộng: hiện toàn huyện đã có 45 tổ nhân dân khuyến học.
Cùng với các mô hình trên, huyện còn có mô hình câu lạc bộ sinh viên hiếu học ở ấp Đại Thắng (xã Vĩnh Thanh). Câu lạc bộ đã tập hợp được 90 cựu sinh viên của xã có tâm huyết. Mỗi năm câu lạc bộ tiếp sức 19 sinh viên nghèo vượt khó (1,5-3 triệu đồng/suất), cấp 200 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học (300-700 ngàn đồng/suất). Mô hình này đã nhân rộng và toàn huyện hiện có 4 câu lạc bộ sinh viên hiếu học đi vào hoạt động ổn định.
Từ những mô hình khuyến học ra đời trên địa bàn Nhơn Trạch đã xuất hiện nhiều tấm gương hiếu học và khuyến học đáng trân trọng. Đó là gia đình ông Kiều Dương Tân (xã Phước Khánh) - một gia đình nghèo làm nghề chài lưới nhưng đã nuôi được 4 người con học đại học. Nay các con của ông đã trở thành kỹ sư, bác sĩ. Trong đó có một người con vừa bảo vệ luận án tiến sĩ tại Nhật Bản. Tiếp nối truyền thống hiếu học và khuyến học, hiện tiến sĩ này đang trợ giúp cho nhiều sinh viên nghèo học tập. Một trường hợp khác là cụ Lê Văn Một (ấp Cát Lái, xã Phú Hữu). Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày cụ vẫn đi bán báo, vé số để dành dụm tiền nuôi heo đất trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường và tiếp sức cho một sinh viên trong suốt thời gian học đại học...
Bích Hường