Sau 38 năm đứng trên bục giảng, nhà giáo Nguyễn Văn Sào (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) thanh thản về hưu. Nhưng với tâm niệm còn sức khỏe là còn cống hiến, những ngày nghỉ hưu của ông tiếp tục là những ngày đóng góp cho xã hội.
Sau 38 năm đứng trên bục giảng, nhà giáo Nguyễn Văn Sào (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) thanh thản về hưu. Nhưng với tâm niệm còn sức khỏe là còn cống hiến, những ngày nghỉ hưu của ông tiếp tục là những ngày đóng góp cho xã hội.
Năm 2004, ngay sau khi nghỉ hưu, ông đã “xung phong” tham gia Hội Khuyến học huyện Vĩnh Cửu. Nói là “xung phong” vì đây là công việc phụ cấp không có, quanh năm phải đi vận động gây quỹ học bổng. Nhưng với ông Sào, công việc này lại là niềm vui bởi có thể giúp đỡ được những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Năm 2007, Hội Cựu giáo chức huyện được thành lập, ông giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội, lại tiếp tục “điệp khúc” đi vận động để có kinh phí hỗ trợ cho những người chung nghiệp đưa đò gặp hoàn cảnh ốm đau bệnh tật...
So với các địa phương khác, Hội Cựu giáo chức huyệnVĩnh Cửu hoạt động có phần khó khăn hơn vì địa bàn rộng, hội viên đa số là nữ, lớn tuổi nên việc đi lại sinh hoạt có nhiều bất tiện. Bên cạnh đó, là huyện nghèo nên phần lớn hội viên trên địa bàn huyện có đời sống eo hẹp. “Khó khăn tới mấy, khi hội viên đau yếu, bệnh tật hay qua đời là Hội tổ chức chăm sóc, thăm hỏi, phúng viếng chu đáo, bởi với các cựu giáo chức thì cái tình là trên hết”, ông giải thích. Chỉ riêng năm 2010, Hội đã tổ chức tặng quà cho 16 hội viên cao tuổi, trong đó có 1 nhà giáo ưu tú; thăm hỏi 24 hội viên đau yếu. Vừa qua, một hội viên ở xã Thạnh Phú qua đời trong hoàn cảnh khó khăn, các hội viên đã gom góp “lá lành đùm lá rách” tương trợ cho gia đình lo hậu sự.
Không chỉ nhận 2 “chức” trên, 2 nhiệm kỳ liền nhà giáo Nguyễn Văn Sào còn được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng ấp. Láng giềng tranh chấp nhau cái bờ ranh, con mương thoát nước, vợ chồng nửa đêm cãi cọ, thậm chí đánh nhau, rồi chuyển thư mời họp xuống dân, vận động dân tham gia phong trào… tất tần tật công việc đều réo “trưởng ấp Sào”. Hồi đầu, ông cứ đi xe đạp hết lên huyện, xã lại xuống các tổ dân cư. Sau đó, các con xót ruột mới mua cho ông chiếc xe gắn máy đi cho đỡ hao sức khỏe. Có phương tiện, ông càng đi nhiều hơn. Được cái là gia đình đều ủng hộ việc “vác tù và” của ông, nhờ vậy ông yên tâm gắn bó với công việc.
Sắp bước vào tuổi “thất thập”, mỗi ngày của nhà giáo Nguyễn Văn Sào đều xoay như chong chóng giữa 3 nhiệm vụ và hàng đống việc không tên mà ông tự nguyện mang vác. “Hồi xưa khó khăn, cực khổ biết bao nhiêu tôi cũng nhất quyết không bỏ nghề giáo vì thương yêu những đứa học trò nông thôn nghèo nhưng hiếu học. Bây giờ cuộc sống đã thoải mái hơn nhiều, có điều kiện hơn thì còn so đo, tính toán để làm gì? Được sống vì bà con hàng xóm, vì bạn bè đồng nghiệp, vì mấy đứa học trò là tôi thấy hạnh phúc lắm rồi”, thầy Sào nói giản dị như vậy.
Hà Lam