Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường mầm non công lập ở Biên Hòa: Khó khăn, thiếu thốn trăm bề

09:11, 06/11/2011

Tại TP.Biên Hòa hiện vẫn còn một số trường mầm non hoạt động trong điều kiện chật chội, thiếu thốn: mưa dột, ngập nước, thiếu nhà vệ sinh...

Tại TP.Biên Hòa hiện vẫn còn một số trường mầm non hoạt động trong điều kiện chật chội, thiếu thốn: mưa dột, ngập nước, thiếu nhà vệ sinh...

Theo bà Chu Như Ý, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT), các trường mầm non công lập vừa phải hoàn thành nhiệm vụ giáo dục tại trường vừa có vai trò là cánh tay nối dài của Phòng GD-ĐT hướng dẫn về chuyên môn cho các nhóm trẻ, các trường mầm non tư thục trên địa bàn trong công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Khi các trường công lập phải hoạt động trong tình trạng chật hẹp xuống cấp sẽ rất khó thực hiện cùng lúc cả hai chức năng, nhiệm vụ này.

 * Hơn 400 cháu chỉ có… một nhà vệ sinh!

Hỏi thăm nhiều lần chúng tôi mới đến được cơ sở chính của Trường mầm non Tân Mai tại khu phố 4, phường Tân Mai. Qua trao đổi, Hiệu trưởng Vũ Thị Lài đi ngay vào vấn đề khó khăn, bức xúc của trường: từ nhiều năm nay, trường không có cách nào khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng nhà vệ sinh. Với số lượng 440 cháu/14 lớp nhưng nhà trường chỉ có duy nhất một khu nhà vệ sinh rộng chừng 10m2. “Chúng tôi phải tổ chức phân chia giờ giấc vệ sinh cho từng lớp học. Nhưng việc sắp xếp hợp lý cho cả 14 lớp không phải chuyện dễ dàng. Đó là chưa kể có những trường hợp đặc biệt, cả cô và các cháu phải dở khóc dở cười” - hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Lớp học trong phòng tạm của cô và các cháu Trường mầm non Tân Mai.
Lớp học trong phòng tạm của cô và các cháu Trường mầm non Tân Mai.

Không chỉ có cơ sở 1, hai cơ sở khác của Trường mầm non Tân Mai cũng trong tình cảnh tương tự. Tại cơ sở II có 136 cháu/4 lớp cũng chỉ có một nhà vệ sinh rộng chừng 20m2. Cơ sở III có 85 cháu/3 lớp cũng chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh rộng chưa tới 7m2. Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Mai cho biết: “Theo điều lệ của trường mầm non, lớp học cần có một nhà vệ sinh theo chu trình khép kín. Nhưng nhà trường không thể thực hiện được vì không còn diện tích đất để xây. Chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng làm tốt nhất trong điều kiện có thể để giữ vệ sinh”.

Cùng cảnh ngộ với Trường mầm non Tân Mai, cơ sở I của Trường mầm non Tân Tiến có 150 cháu/4 lớp, cơ sở II có 100 cháu/3 lớp. Mỗi cơ sở cũng chỉ có một nhà vệ sinh. Phó hiệu trưởng Đỗ Thị Ngọc Yến cho hay: “Chúng tôi phải chia thời điểm để các cháu của từng lớp đi vệ sinh. Tuy vậy, có những lúc cao điểm, các cháu vẫn phải xếp hàng rất cực. Chưa hết, vào những ngày mưa, vì trường thấp hơn mặt đường nên nước mưa thường tràn vào sân. Nhân viên bảo vệ phải túc trực đêm ngày, hễ trời mưa là vận hành máy bơm liên tục, không cho nước tràn vào lớp học và nhà vệ sinh. Thương nhất là những hôm đang giữa trưa lại có mưa lớn. Khi ấy, đang giờ ngủ nhưng chúng tôi phải gọi các cháu dậy để kê bàn cho các cháu ngồi. Tình cảnh này có từ nhiều năm nay, nhưng trường không thể cải tạo được vì vướng nguồn kinh phí”.  

* Trường lớp chật chội, thiếu thốn

Cùng với thiếu nhà vệ sinh, cả hai ngôi trường nêu trên đều có diện tích quá nhỏ. Tại Trường mầm non Tân Mai, trong căn phòng rộng chưa tới 20m2 nhưng có nhiều chức năng: nơi làm việc của ban giám hiệu (3 người), hội họp, tiếp khách và thư viện. Cạnh đó là một phòng nhỏ, dùng làm phòng thiết bị với nhiều đồ dùng học tập chồng chất lên nhau. Phòng văn thư thực chất là một gác xếp nhỏ kế bên nhà vệ sinh. Các cháu được ăn ngoài hành lang các lớp học. Toàn bộ các phòng học đều chật chội, trong đó có 13 phòng bán kiên cố và một phòng học tạm, do nhà trường tự dựng lên, lợp bằng mái tôn để lấy chỗ cho mấy chục cháu học.

Tại 2 cơ sở lẻ của trường cũng trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Cứ mỗi khi trời mưa, cô và các cháu tại những cơ sở này lại lo dột ướt. Ông Lâm Văn Truyện có con học lớp mầm tại Trường mầm non Tân Mai, chia sẻ: “Dù biết trường chật hẹp, điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi đành phải gửi con vì không có sự lựa chọn nào khác”.

Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Biên Hòa cho hay: Theo các quy định, đô thị phát triển không được sử dụng tiền ngân sách để xây dựng trường mầm non. Trước năm 2007, TP.Biên Hòa có quỹ xã hội hóa giáo dục được thu từ nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh. Bằng nguồn quỹ này, thành phố đã xây, sửa được nhiều trường học. Tuy nhiên, từ năm 2007, do không được tiếp tục thu tiền xã hội hóa giáo dục nên các trường mầm non như Tân Vạn, Tân Tiến, Quang Vinh, Tân Mai… dù đã làm hồ sơ xây dựng đều phải ngưng lại. “Từ đó đến nay, dù biết các trường phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng không còn cách nào tháo gỡ. Hàng năm, với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng chi sửa chữa nhỏ cho các trường trên địa bàn, thành phố đều dành khoảng 2 tỷ cho các trường mầm non. Tuy nhiên, với số kinh phí hạn hẹp, việc sửa chữa chỉ mang tính chắp vá, các trường vẫn phải hoạt động trong điều kiện khó đủ bề” - Trưởng phòng GD-ĐT Biên Hòa cho biết.

Tương tự, tại cơ sở 1 của Trường mầm non Tân Tiến, với 150 cháu nhưng tổng diện  tích của trường cũng chỉ được trên 400m2. Vì vậy, sân chơi quá nhỏ, chỉ đủ treo một số đồ chơi tự tạo và một vài cây xanh.

Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết: “Với 31 trường mầm non công lập trong toàn thành phố nhưng con số trường có cơ sở vật chất khang trang rất ít. Nhiều trường mầm non công lập hoạt động trong điều kiện chật hẹp, phòng ốc xuống cấp”.

Hiệu trưởng Vũ Thị Lài cho biết: “Ước mong của chúng tôi là trường sớm có được một cơ sở khang trang. Qua đó, nhà trường có điều kiện giảng dạy các cháu tốt hơn”. Nhưng thực tế, các trường như Trường mầm non Tân Mai phải chờ đợi đến bao giờ mới có được những mong ước chính đáng đó?

Bích Hường


 

 

 

 


Tin xem nhiều