Mới nghe tựa đề này sẽ có người bắt bẻ rằng: tại sao lại lấy văn học thay thế cho sử học. Như vậy có lẫn lộn không? Xin thưa, sử học có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho học sinh bằng các sự kiện, tư liệu lịch sử, bằng những ý nghĩa, bài học lịch sử.
Mới nghe tựa đề này sẽ có người bắt bẻ rằng: tại sao lại lấy văn học thay thế cho sử học. Như vậy có lẫn lộn không? Xin thưa, sử học có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho học sinh bằng các sự kiện, tư liệu lịch sử, bằng những ý nghĩa, bài học lịch sử. Văn học thì sao? Văn học giáo dục truyền thống cho học sinh bằng tư tưởng, tình cảm qua các thủ pháp nghệ thuật.
Chúng ta phải nhận rõ giá trị của truyền thống. Đánh mất truyền thống, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc là đánh mất nguồn cội. Cho nên đối với thế hệ thanh thiếu niên học sinh hiện nay, cần phải được giáo dục truyền thống ngay từ trong nhà trường. Trong trường học người ta không chỉ giáo dục truyền thống bằng môn lịch sử, bằng các hoạt động ngoài trời như kỷ niệm các ngày lễ lớn, tham quan các di tích lịch sử, cắm trại, kết nghĩa với địa phương, các đơn vị quân đội, thăm các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trở về nguồn... mà còn giáo dục truyền thống qua văn học.
Trở lại ý ban đầu: văn học góp phần giáo dục truyền thống như thế nào? Văn học đã làm cho học sinh cảm thụ, rung động trước cái hay, cái đẹp của cuộc sống lao động chiến đấu của nhân dân ta, của dân tộc ta qua trường kỳ lịch sử. Học bài thơ “ Sông núi nước Nam”- còn gọi là bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt, học sinh thấy tự hào, sảng khoái trước lời lẽ hết sức đanh thép về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyết tâm bảo vệ đất nước của dân tộc ta trước kẻ thù xâm lược hung bạo. Bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu là một áng văn tế bất hủ khiến học sinh hết sức xúc động trước tinh thần yêu nước, yêu quê hương làng xóm, chiến đấu quên mình của nghĩa quân Cần Giuộc - vốn là những người nông dân nghèo khổ, ít học, vũ khí đơn sơ. Họ rất dũng cảm, đầy nghĩa khí trước một kẻ thù được trang bị hiện đại là bọn thực dân Pháp.
Bản “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ tịch chẳng những là một tư liệu lịch sử vô giá mà còn có giá trị văn học rất cao. Bản Tuyên ngôn đã tố cáo đanh thép tội ác của thực dân Pháp, ca ngợi cuộc đấu tranh rất đau thương mà đầy anh dũng của nhân dân ta. Ở đoạn cuối là lời tuyên bố khẳng định hùng hồn trước thế giới nước Việt Nam đã trở thành nước tự do độc lập và quyết tâm bảo vệ nền tự do độc lập ấy của nhân dân Việt Nam.
Tiết dạy văn ở Trường THCS-THPT Trịnh Hoài Đức Trảng Bom. (Ảnh minh họa) |
Và còn rất nhiều, rất nhiều tác phẩm nữa. Những bài thơ của Hồ Chủ tịch, của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Khoa Điềm, truyện của Tô Hoài, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Minh Châu… có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn.
Tác dụng giáo dục truyền thống của văn học đối với học sinh không phải có hiệu quả ngay, nó như một dòng sông lớn bồi đắp phù sa cho tâm hồn, tình cảm của các em ngày càng phong phú, tốt đẹp. Để giáo dục tốt truyền thống cho học sinh bằng văn học, ngoài sách giáo khoa, chương trình, yếu tố quan trọng là thầy cô. Thầy cô cũng phải cảm thụ được cái hay, cái đẹp của tác phẩm và truyền đạt tới học sinh bằng tâm hồn, kiến thức và kỹ năng sư phạm.
Giáo dục truyền thống tốt cho học sinh chẳng những làm cho học sinh tiếp nhận được lối sống, nhân cách sống tốt đẹp của cha anh mà còn góp phần chống văn hóa phẩm độc hại và chống các tệ nạn xã hội lâu dài.
Bùi Quang Tú