Từ xa xưa, người Việt đã có câu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Truyền thống tôn sư trọng đạo mấy ngàn năm của dân tộc luôn được giữ gìn và tỏa sáng. Mùng ba tết thầy cho thấy, người thầy dù ở thời nào cũng luôn được xã hội coi trọng, một đạo lý tốt đẹp dành cho những người lấy phấn trắng bảng đen làm nghiệp.
Từ xa xưa, người Việt đã có câu: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Truyền thống tôn sư trọng đạo mấy ngàn năm của dân tộc luôn được giữ gìn và tỏa sáng. Mùng ba tết thầy cho thấy, người thầy dù ở thời nào cũng luôn được xã hội coi trọng, một đạo lý tốt đẹp dành cho những người lấy phấn trắng bảng đen làm nghiệp.
Xuân về, gia đình nào cũng vậy, không quên nhắc nhở con cái chuẩn bị đi tết thầy. Vào ngày mùng ba, học sinh đến thăm và chúc thầy những lời chúc mừng một năm mới để biết ơn công lao thầy đã dạy dỗ kiến thức và nhân cách làm người cho mình. Tết thầy xưa và tết thầy ngày nay có thể khác nhau về hình thức của món quà biếu, nhưng giống nhau về tình cảm và lòng kính trọng thầy của học trò. Tết thầy để trò gần gũi, hiểu thầy hơn và bày tỏ lòng mình với thầy; để thầy nhắn nhủ, chia sẻ nhiều điều cùng học trò, để tình thầy trò thêm thắm thiết, đậm đà. Tết thầy không chỉ của học trò đang dạy mà của cả những học trò cũ dù đã, hay chưa thành đạt trên đường đời.
Bạn tôi ở quê xa đến một huyện miền núi dạy học. Tết xa nhà mà cảm thấy nỗi buồn được vơi đi khi có những học trò đang dạy, học trò cũ đến chúc tết. Bạn bảo, quà đi tết của các em chỉ là cây nhà lá vườn, nhiều em chẳng có gì để biếu cô nhưng các em đến là vui lắm rồi. Nghĩa thầy trò đâu thể cân đo bằng vật chất, tấm lòng và tình cảm quý hơn gấp trăm ngàn lần. Chính điều đó đã níu chân người thầy ở lại miền quê xa xôi này và yêu nghề, yêu học trò hết mực. Nhìn những cô cậu học trò người đen sạm vì nắng gió đạp xe đến ngõ nhà cô từ sớm, thấy thương chúng vô cùng. Cái tết của nhà giáo luôn nghèo nên vài ba cái kẹo, bánh mứt, ít hạt dưa là nhà vui hơn cả tết.
Đã thành lệ, cứ mùng ba là tôi lại đến thăm nhà anh bạn đồng nghiệp tuổi đời và tuổi nghề nhiều hơn mình. Lần nào cũng vậy, tôi lại gặp những gương mặt cũ có, gương mặt mới có đến chúc tết. Nhiều học trò nay đã có con cái lớn nhưng vẫn đều đặn dắt con theo. Có em thành đạt, có em nối nghiệp thầy, có em còn vất vả với cuộc mưu sinh, gặp thầy là vâng dạ, râm ran nói cười, gọi thầy xưng con như thuở học sinh. Mái đầu xanh bên mái đầu bạc lại nhắc nhớ những ký ức buồn vui ngày xưa còn gian khó nơi ngôi trường thiếu thốn trăm bề. Trò vẫn trân trọng thầy, thầy vẫn bao la tình thân đối với học trò. Có lẽ vậy mà tình cảm thầy trò mãi gắn bó theo thời gian, chẳng bao giờ mờ phai.
Ngày nay, giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền quá tất bật, bận rộn, vì nhiều lý do học trò cũ không có điều kiện đi tết thầy được, nhưng nhờ những lá thư điện tử, điện thoại hay gửi tin nhắn để chúc tết thầy cô giáo đã dạy mình nên người. Thời công nghệ số nên ở nửa vòng trái đất, trò vẫn “đi” tết thầy...
Tết thầy có một ý nghĩa rất thiêng liêng, nó thể hiện nét văn hóa, đạo làm người, sự trân trọng và tấm lòng tri ân người thầy của học trò. Nó là một phong tục đẹp đẽ dành riêng cho những người làm nghề giáo vô cùng thanh cao mỗi mùa xuân đến.
Hưng Nhân